Cơ hội sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 'made in Viet Nam'

04-05-2020 11:01:50

Hiện các chuyên gia đang thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên chuột và nhận định chúng ta có cơ hội sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 "made in Việt Nam".


Cơ hội sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 'made in Viet Nam'. Ảnh một kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH/TTO

Ngày 3/5, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 VABIOTECH (Bộ Y tế), cho biết công ty đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vắc xin phòng dịch Covid-19 và tiêm thử nghiệm trên chuột.

Theo TS Đỗ Tuấn Đạt, khi Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 1, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) nghiên cứu vắc xin phòng dịch Covid-19 dựa trên công nghệ vector virus, theo Người lao động. 

Đến nay, nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 trong thành phần vắc xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vắc xin.

Cùng với phát triển dự tuyển vắc-xin ở phòng thí nghiệm, dự tuyển vắc-xin đã được tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Việc tiêm thử nghiệm vắc xin này trên chuột đã được thực hiện 2 tuần qua. 

"Dự kiến trong tuần tới, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2" - TS Đạt nói và cho biết sau giai đoạn này, vắc xin phòng Covid-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm độ an toàn cũng như tính sinh miễn dịch của dự tuyển vắc xin này.

Dù là một nhà sản xuất vắcxin có kinh nghiệm, nhưng không phải không có những khó khăn rất lớn đối với các nhà phát triển vắcxin Việt Nam. Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất được vắc xin từ những năm 1960 (bắt đầu với vắc xin ngừa bại liệt, sau đó là vắcxin dịch tả uống), nhưng công nghệ sản xuất vắc xin vẫn đi theo lối cổ, tức là làm theo khâu và mỗi khâu kéo dài 2-3 năm, theo Tuổi trẻ. 

Quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin quá dài đã dẫn đến có loại vắc xin như vắc xin ngừa cúm gia cầm H5N1 sản xuất ra thì dịch đã qua và không quay trở lại, người dân không có nhu cầu tiêm ngừa. Một vắc xin rất tốt, được sản xuất công phu nhưng đành phải "xếp xó".

Lần này, cơ hội đến khi VABIOTEC đang có chương trình hợp tác nghiên cứu với ĐH Bristol (Anh), với 4 nghiên cứu viên đã được đào tạo tại ĐH Bristol, cộng với việc lần đầu tiên có nguồn vốn từ quỹ trong nước rót cho nghiên cứu, phát triển vắc xin.

"Trước đây nguồn vốn cho phát triểnvắc xin đều từ Nhà nước, nếu được đầu tư nghiên cứu bắt buộc phải có kết quả, trong khi không phải lúc nào nghiên cứu cũng có sản phẩm" - ông Đạt nói.

Với vắcxin ngừa Covid-19, hiện đã có 70-80 nhà sản xuất vắc xin khắp thế giới đang ở giai đoạn tương tự VABIOTEC, tức là đã tiêm thử nghiệm trên chuột, có 8 nhà sản xuất đang tiến hành song song thử trên động vật và thử trên người. Đây là cách làm nhanh, mới và có những yếu tố "mạo hiểm". 

Việt Nam đang theo dõi bước đi của 8 nhà sản xuất này để đánh giá tình hình, trong trường hợp đủ điều kiện, VABIOTEC cũng có thể tiến hành nghiên cứu Covid-19 một cách nhanh hơn quy trình truyền thống. Tuy nhiên phải 2-3 tháng tới mới có thể khẳng định về cơ hội này.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //