Cô gái sống sót sau vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông: “Đây không phải mẹ con, mẹ con xinh đẹp lắm”
“Mỗi khi đưa cháu đến gần mẹ, nó lại khóc thét lên, đầu lắc lia lịa, nó luôn miệng bảo: “Đây không phải mẹ con, mẹ con xinh đẹp lắm””.
Kí ức kinh hoàng
Một ngày giữa tháng 5/2017, PV tìm về gia đình chị Nguyễn Thị Lệ trú tại thôn Rùa Hạ 2 (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội), chị Lệ là người may mắn sống sót sau vụ nổ bom kinh hoàng tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông cách đây hơn một năm.
Từ một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh, chị Lệ phải sống đời sống thực vật. Ảnh: Duẩn.
Sau trận mưa bất chợt đầu mùa, con ngõ nhỏ chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đi qua dẫn vào nhà chị Lệ càng lầy lội, nhớp nháp. Mặc dù đã là thời điểm giữa trưa nhưng tiếng máy móc gia công cơ khí của nhiều hộ dân vẫn chạy ầm ầm.
Cuộc sống của chị Lệ gắn bó với giường bệnh đã hơn 1 năm nay. Ảnh: Duẩn
Trong căn nhà nhỏ nằm thọt lỏm sâu trong con ngõ, ông Nguyễn Văn Hải (53 tuổi, bố chồng chị Lệ) cùng vợ vẫn đang cặm cụi bên hai chiếc máy cắt sắt để gia công long đen giàn giáo xây dựng.
Dáng vẻ khá mệt mỏi, ông Hải dẫn PV vào nhà, ông rót nước mời khách, rồi đưa ánh mắt xa xăm nhìn qua khung cửa sổ rồi chầm chậm kể lại cái ngày định mệnh với con dâu ông.
"Căn phòng hạnh phúc" hơn 10m2 được sửa sang thành nơi điều trị bệnh cho chị. Ảnh: Duẩn
“Cả nhà tôi đều không thể quên được ngày xảy ra vụ việc. Hôm đó là ngày 19/3/2016, cũng như mọi ngày, con Lệ đi theo xe chở sắt thép từ Thạch Thất về để làm gia công.
Bình thường, ngày nào cũng vậy, nó cứ đi lấy hàng đến trưa là về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi. Hôm đó, nó có gọi điện thoại về cho gia đình xin phép về muộn vì còn vào ăn cơm với gia đình anh Đặng Cao Thủy - người tài xế chở hàng”, ông Hải nhớ lại.
Những dấu vết của vụ nổ in hằn lên da thịt chị Lệ. Ảnh: Duẩn.
Sau khi cơm nước xong xuôi, chị Lệ xin phép ra về cho kịp giờ làm thì bố mẹ của anh Thủy giữ lại để nói chuyện với lý do lâu ngày chưa gặp mặt. Vì là chỗ thân quen, lại không nỡ từ chối nên chị Lệ đã nán lại để trò chuyện.
Khoảng chừng 30 phút sau, chị Lệ cùng anh Thủy ra xe đánh hàng về. Khi chiếc xe chở chị đi ngang qua khu đô thị Văn Phú thì gặp nạn. Sức ép của vụ nổ đã khiến chiếc xe tải đâm vào ngôi nhà số 26, tòa CT9 khu đô thị Văn Phú, cướp đi tính mạng anh Thủy, trong khi chị Lệ được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Chân tay chị co quắp sau vụ tai nạn. Ảnh: Duẩn.
“Con Lệ được các bác sĩ xác định bị chấn thương sọ não nặng, dập não xuất huyết, máu tụ thái dương và hàng chục vết thương khác, tình trạng sức khỏe thì hôn mê sâu, nguy cơ nhiễm trùng cao...”, ông Hải nhấp vội ngụm nước chè rồi buồn rầu nói.
Trong suốt thời gian trò chuyện với PV, ông Hải nhắc nhiều đến từ giá như. Giá như ngày đó, con dâu ông không ngồi trên ô tô đi lấy sắt về cho gia đình. Giá như chiếc xe chở chị Lệ chỉ chạy nhanh hoặc chậm lại 5 phút thôi thì tai họa ấy đã không giáng xuống. Mỗi lần như thế, ông Hải lại lắc đầu, ánh mắt buồn bã, chua chát.
Bà Nguyễn Thị Tho (mẹ chị Lệ) đau đớn khi nhắc đến con. Ảnh: Duẩn.
Cũng giống như gia đình thông gia, bà Nguyễn Thị Tho (52 tuổi, mẹ đẻ chị Lệ) cũng không quên được ngày con gái gặp nạn.
“Thấy em nó lâu chưa về, tôi có gọi điện nhiều lần nhưng không liên lạc được. Ruột gan tôi cứ nóng bừng lên, đến chiều cùng ngày thì người ta báo con tôi gặp nạn. Khi biết tin, tôi bủn rủn cả chân tay, cầu chúa mong em nó tai qua nạn khỏi”, bà Tho nhớ lại.
Con gái khóc thét, không nhận ra mẹ
May mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng từ đó đến nay, chị Lệ rơi vào cảnh sống thực vật, Mặc dù đã vay mượn khắp nơi để chạy chữa qua 3 bệnh viện lớn nhỏ nhưng sức khỏe của chị vẫn không có tiến triển gì.
Đau đớn nhìn con dâu vật lộn trên giường bệnh nhưng không thể làm gì hơn, gia đình ông Hải phải đưa con về nhà để tự chăm sóc, thuốc men.
Bà Hồng (mẹ chồng chị Lệ) cặm cụi làm việc bên máy gia công kim khí của gia đình. Ảnh: Duẩn.
“Chúng tôi đưa cháu đi điều trị tại Bệnh viện 103, rồi Bệnh viện Việt Nhật sau đó lại chuyển sang Bệnh viện Nông Nghiệp nhưng vẫn không có dấu hiệu phục hồi. Cực chẳng đã, gia đình hai bên mới đưa cháu về nhà để tự chăm sóc”, ông Hải cho biết.
Ngày đón con dâu từ viện về, vợ chồng ông Hải cho sửa sang căn phòng nhỏ rộng chưa đầy 10m2 để làm nơi điều trị cho con.
“Người em nó lúc nào cũng nóng như lửa nên vợ chồng tôi phải lắp thêm một chiếc điều hòa. Chúng tôi không biết gì về chuyên môn nên việc chăm sóc em nó phải thuê người với giá hơn 7 triệu đồng/tháng”, ông Hải thông tin.
Từ ngày con dâu gặp tai nạn, ông Nguyễn Văn Hải cùng vợ thay con chăm sóc các cháu. Ảnh: Duẩn.
Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đảm đang lại có tiếng là ngoan hiền, khéo làm giờ đây chị Lệ chỉ nằm im trên giường bệnh, không cử động, không nói cười.
Biểu hiện duy nhất và người nhà có thể nhận ra là sự đau đớn hiện rõ trên khuôn mặt đã bị biến dạng mỗi khi được làm vệ sinh hay cho ăn. Nhìn dáng vẻ gầy gò, nước da xanh xao, nhợt nhạt, chân tay teo tóp của chị khiến ai cũng phải xót xa.
Việc ăn uống của chị Lệ đều được thực hiện qua đường xông. Ảnh: Duẩn.
“Hai con mắt em nó một bên đã được phẫu thuật khoét đi, bên còn lại cứ nhìn chằm chằm lên trần nhà mà không bao giờ khép lại. Các bác sĩ ở Bệnh viện Nông nghiệp mới tới khám bảo rằng bên mắt còn lại của em nó cũng hỏng rồi.
Hiện tại, mọi việc ăn uống, cháu đều thực hiện qua đường xông (thức ăn được đưa vào một ống nhỏ nối xuống tận dạ dày - PV). Đi vệ sinh cũng phải qua đường ống, việc chăm sóc cháu đều do một tay bà giúp việc làm”, ông Hải buồn rầu nói.
Ngoài việc chăm sóc các cháu, thỉnh thoảng ông Hải lại vào xoa bóp cho con dâu. Ảnh: Duẩn.
Kể từ khi chị Lệ gặp nạn, gánh nặng gia đình đè cả lên vai anh Nguyễn Văn Âu (27 tuổi, chồng chị Lệ). Đồng tiền công ít ỏi đi làm kim khí cũng được anh tích góp để chữa bệnh cho vợ và nuôi hai đứa con vẫn còn thơ dại.
Anh Âu cho biết, từ ngày vợ gặp nạn, con gái lớn của anh là cháu Nguyễn Hà Linh Chi mới được hơn 2 tuổi còn cháu Nguyễn Minh Khang mới được 6 tháng tuổi thiếu vắng đi tình thương của mẹ, mọi sinh hoạt từ miếng ăn, giấc ngủ đều phải nhờ cậy hết vào ông bà nội.
Bà Lê Thị Dung (người giúp việc) đang cho chị Lệ ăn qua đường xông. Clip: Duẩn.
Bà Dung đang thực hiện hút đờm cho chị Lệ. Clip: Duẩn.
“Vợ tôi gặp nạn khi cháu Khang vẫn còn đang bú, giờ đây, cháu phải ăn hoàn toàn bằng sữa ngoài. Nhiều lúc thấy cháu khóc vì thèm ti, bà nội lại bế cháu ra một chỗ rồi cho cháu ngậm ti cho đỡ nhớ mẹ.
Cháu lớn trước đây rất quấn mẹ, nhưng từ khi vợ tôi từ viện về, mỗi khi đưa cháu đến gần mẹ, nó lại khóc thét lên, lắc đầu lia lịa, nó luôn miệng bảo: “Đây không phải là mẹ con, mẹ con xinh đẹp lắm”. Những lúc như thế, phận làm cha như tôi cũng thấy nhói lòng”, anh Âu chia sẻ.
Gia đình vẫn hy vọng
Ngước nhìn lên tấm ảnh chụp chung trong ngày cưới, anh Âu nghẹn ngào nhớ lại: “Vợ tôi ngày xưa đẹp lắm, học hành lại giỏi giang. Hai chúng tôi đến với nhau khi vẫn còn ít tuổi. Chúng tôi cũng vay mượn mở được một xưởng kim khí để làm ăn. Cuộc sống đang hạnh phúc thì vợ tôi lại gặp nạn.
Bây giờ, tôi và gia đình đôi bên chỉ có một mong ước duy nhất là có một ngày vợ tôi sẽ tỉnh lại. Cô ấy không cần làm gì cả, chỉ cần cô ấy nhớ ra tôi, nhớ ra các con, người thân để làm chỗ dựa cho các cháu”.
Chị Lệ trong bức ảnh cưới chụp cùng chồng là anh Nguyễn Văn Âu. Ảnh: Duẩn.
Theo anh Âu, điều anh lo lắng nhất bây giờ là chi phí khám chữa bệnh tại nhà của chị Lệ quá cao, vượt quá khả năng của gia đình đôi bên.
“Mỗi tháng, tiền trả cho người trông nom vợ tôi là 7,5 triệu, rồi thì tiền thuốc men, chăm sóc y tế cũng rơi vào khoảng 20 triệu/tháng. Tiền vay ngân hàng để chữa bệnh cho vợ tôi cũng đã lên đến cả trăm triệu nhưng còn nước còn tát…
Phần hộp sọ của chị Lệ đã được lấy ra khi làm phẫu thuật. Ảnh: Duẩn.
Trước đó, cũng có một bác sĩ biết được trường hợp của vợ tôi cũng đến mong muốn được chữa trị. Họ cho biết chỉ lấy chi phí thuốc thang, còn miễn phí tiền khám chữa bệnh.
Việc chữa trị cũng diễn ra được gần 1 tháng nay, chân tay vợ tôi cũng đã thấy mềm hơn chứ không cứng như trước nữa”, anh Âu kể.
Chị Lệ thở qua một ống dẫn khí được nối liền với khí quản. Ảnh: Duẩn.
Để tiếp thêm nghị lực sống cho vợ, sau mỗi ngày đi làm về, anh Âu lại ngồi hàng giờ bên giường bệnh để xoa bóp chân tay cho vợ. Rồi thì đọc kinh thánh, xin sự che chở của chúa để giúp vợ mau bình phục.
Không chỉ có anh Âu, gia đình ông Hải cũng tin tưởng một ngày con dâu sẽ tỉnh lại. Ông cho biết cũng sẽ không từ bỏ dù chỉ còn lại 1% cơ hội.
Mọi việc chăm sóc, vệ sinh, ăn uống của chị Lệ đều được bà Dung thực hiện. Ảnh: Duẩn.
“Đợt trước phải phẫu thuật mổ não, gia đình chúng tôi đã đề đạt tâm nguyện với bác sĩ để tiếp tục nuôi cấy mô não của con Lệ tại viện đợi khi nào cháu tỉnh lại sẽ tiến hành cấy ghép.
Hiện tại, mô não của em vẫn đang được gia đình cho nuôi cấy tại bệnh viện với giá 200 nghìn/tháng”, ông Hải thông tin.
Hiện tại, chi phí khám chữa bệnh đã vượt quá khả năng tài chính của gia đình nên rất cần sự giúp đỡ từ các đơn vị, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về: Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ, ở thôn Rùa Hạ 2, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội Số điện thoại: 0972926591 (anh Nguyễn Văn Âu, chồng chị Lệ).