Cô gái 19 tuổi ho ra máu, đông đặc cả 2 bên phổi vì sốt xuất huyết
Trải qua 18 ngày điều trị tại, cô gái 19 tuổi nhập viện trong tình trạng ho ra máu nhiều lần, tổn thương gan cấp, viêm đông đặc nền phổi 2 bên với chẩn đoán sốt xuất huyết trên nền béo phì đã hồi phục và xuất viện
Một trường hợp sốt xuất huyết nặng, điều trị tại TPHCM. Ảnh Báo Dân Trí.
Ngày 15/12, trao đổi với PV Báo Vietnamnet, Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tấn Đạt, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175, cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng trên cơ địa béo phì, diễn biến rất nhanh và phức tạp.
Cụ thể, bệnh nhân D.T.Q (19 tuổi) nhập viện với chẩn đoán sốt xuất huyết trên nền béo phì. Đến ngày thứ 5, diễn biến người bệnh xấu dần và được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng sốt cao, xuất huyết da nhiều vị trí, xuất huyết kết mạc, ho ra máu đỏ tươi, khó thở tăng dần.
Kết quả xét nghiệm cho thấy cô gái có tình trạng viêm, tràn dịch đa màng nghi dịch máu, đông máu rải rác lòng mạch, tổn thương gan cấp, rối loạn nước điện giải nặng, X-quang ghi nhận viêm đông đặc nền phổi 2 bên.
Cô gái này được chẩn đoán sốt xuất huyết nặng ngày thứ 7, rối loạn chức năng đa cơ quan, viêm phổi trên nền béo phì. Các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao qua mũi, bù tiểu cầu và các chế phẩm máu, điều chỉnh rối loạn điện giải, hỗ trợ tế bào gan, kháng sinh…
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân trải qua các đợt diễn biến nặng, ho ra máu tái diễn nhiều lần, suy hô hấp tiến triển, tràn máu đường thở và màng phổi. Các bác sĩ phải đặt nội khí quản thở máy, phẫu thuật dẫn lưu dịch khoang màng phổi giảm áp.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn sốt cao liên tục, đáp ứng kém với hạ sốt thông thường, tổn thương gan tăng dần. Kết quả cấy đờm, máu cho ra vi khuẩn đa kháng, đồng thời có biểu hiện của cơn bão Cytokine.
Sau khi tham vấn ý kiến chuyên gia, các bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục và nhiều biện pháp tích cực. Trải qua 18 ngày điều trị với những nỗ lực liên tục của y bác sĩ, bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.
Sốt xuất huyết Dengue có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Bệnh nhân không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, dễ dẫn đến tử vong. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, khởi phát đột ngột. Giai đoạn nguy hiểm thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 tính từ khi khởi phát bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, trong tuần 50 (từ ngày 5 đến 11/12), TPHCM ghi nhận 1.100 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), giảm 14,7% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 18,7% và ngoại trú giảm 10,5%. Trong tuần 50, không có trường hợp tử vong do SXH Dengue. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 23 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, kể từ đầu mùa dịch đến nay, toàn thành phố ghi nhận 78.561 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng gần 7 lần với cùng kỳ năm 2021 với số ca nặng là 1.930 ca. Tỉ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc SXH đến tuần 50 là 2,46% (1.930/78.561) tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo HCDC khuyến cáo, hiện nay, khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời. Khi có dấu hiệu sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.
Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc/bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện. Đối với bệnh sốt xuất huyết khi hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.