31 trẻ bị phản ứng, co giật sau tiêm vắc xin ComBe five tại Hải Phòng
Trong 31 cháu bị phản ứng sau tiêm vắc xin Combe Five, hiện vẫn còn 14 cháu đang phải nằm cấp cứu tại bệnh viện.
Các bệnh nhi có phản ứng sau khi tiêm vắc xin Combe Five đang điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Thông tin từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, chỉ trong 2 ngày 25 và 26/1, bệnh viện đã tiếp nhận 19 trường hợp trẻ có phản ứng sau khi được tiêm vắc xin Combe Five. Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị co giật, người tím tái, sốt cao. Sang ngày 28/1, có 5 cháu đã có tiến triển tốt hơn nên đã được xuất viện.
Theo ông Trần Văn Điển - Phó GĐ Trung tâm y tế huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), trên địa bàn huyện Kiến Thụy có 31 trường hợp bị phản ứng sau tiêm vắc xin ComBe Five phải nhập bệnh viện huyện Kiến Thụy trong đó có 10 cháu có phản ứng nặng, co giật tím tái nên được chuyển tiếp lên bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Trao đổi với PV, Lãnh đạo trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng cho biết, trường hợp 31 trẻ co giật là phản ứng bình thường sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 Combe Five. Đây không phải sốc phản vệ.
Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng đã chỉ đạo sát sao cho các địa phương phải thực hiện công tác sàng lọc hết sức cẩn thận, kỹ càng trước khi tiêm phòng cho trẻ đồng thời phải có tổ phản ứng nhanh sẵn sàng khi có trường hợp trẻ bị phản ứng sau tiêm vắc xin.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công điện gửi các sở y tế tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Công điện nêu rõ: Theo báo cáo từ các địa phương, ngoài những phản ứng thông thường như trẻ sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật ở một số địa phương, tỷ lệ khoảng 0,05%. Tuy nhiên các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Mặc dù tỷ lệ các phản ứng trên nằm trong thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, song để bảo đảm tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc, đặc biệt xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng.
Đồng thời chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng. Yêu cầu tất cả các cơ sở phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng cử cán bộ có trình độ chuyên môn từ tuyến trên tăng cường cho các Trạm Y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng. Đặc biệt là những Trạm không có bác sĩ hoặc những xã, phường khó khăn.
Cạnh đó cần tư vấn cho các bà mẹ biết cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng, phát hiện các triệu chứng của trẻ như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, sưng đau tại chỗ tiêm... để đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được khám, xử trí cũng như cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh; Những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm và cách theo dõi, chăm sóc, xử trí khi trẻ có dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng.
Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, Văn phòng Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia sẽ sử dụng số điện thoại hotline 0981480480 để giải đáp thắc mắc, tư vấn và cung cấp thông tin về Tiêm chủng mở rộng. Đường dây nóng sẽ hoạt động tất cả các ngày trong tuần.
Clip: 5 bước 'cứu mạng' con khi bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin.