Chuyện rơi nước mắt ở ngôi nhà có 7 người mù, 6 người thần kinh, dị tật cùng cả chục đứa trẻ bơ vơ
Ở nhà tình thương này, mỗi cụ già, mỗi em nhỏ đều là một số phận thương tâm. Có người bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa tìm đến đây để nương nhờ. Có những cô gái thần kinh không ổn định bị cưỡng hiếp dẫn đến mang thai cũng được gửi gắm ở đây để tránh những lời dị nghị, ruồng rẫy của người đời.
Xuất phát từ tình thương
Nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô nằm lẩn khuất trong con ngõ nhỏ thuộc xã Trung Lao (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Nơi đây được nhiều người biết đến là chỗ nương tựa của những mảnh đời bất hạnh.
“Người già có, thanh niên có, trẻ nhỏ có, trẻ sơ sinh cũng có. Người bình thường có, người tàn tật có và người thần kinh không ổn định cũng đều có cả” đó là lời giới thiệu bao quát về nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô của một người dân địa phương.
Tôi đến nhà tỉnh thương Vinh Sơn – Phaolô lúc trời đã nhá nhem tối. Vào thời điểm này, các em lớn tuổi đang sinh sống tại đây đang được các sơ đưa đi cầu nguyện. Cả khuôn viên rộng lớn của nhà tình thương chỉ còn một mình sơ Hà Thị Hảo (52 tuổi) là người trông coi duy nhất.
Vừa dẫn tôi băng qua con đường nhỏ nằm sát bên bờ ao, sơ Hảo vừa kể sơ qua cho tôi về tình hình chung của nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô sau khoảng thời gian hơn 10 năm hoạt động.
Theo sơ Hảo, nhà tình thương này được thành lập từ năm 2007, do một nhóm các sơ có chung mục đích hướng thiện, thương cảm với người có hoàn cảnh khó khăn lập ra.
Người sáng lập đầu tiên của nhà tình thương là sơ Nguyễn Thị Hiên (55 tuổi). Sơ Hảo cho biết bản thân sơ Hiên là một nữ tu, do đã đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh neo đơn, các cụ già tàn tật không có nơi nương tựa nên sơ Hiên nảy ra ý định thành lập nhà tình thương này.
“Thấy việc làm của sơ Hiên rất ý nghĩa nên tôi cùng một số sơ khác đã cùng đồng lòng gắn bó với nhà tình thương này từ khi thành lập cho đến nay”, sơ Hảo nói.
Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên khi ngôi nhà tình thương được đi vào hoạt động, sơ Hiên và các sơ đi khắp nơi, dang tay đón nhận các cụ già tàn tật, các em nhỏ lang thang không nơi nương tựa về để sinh sống.
“Các sơ ở đây cũng đều là người làm nông nghiệp. Từ khi mới đi vào hoạt động, nhiều người dân vẫn chưa biết gì về hoạt động của nhà tình thương. Mọi hoạt động đều do các sơ tự cung tự cấp hết.
Nhiều khi đi làm có con cá, mớ rau lại tất bật mang đến nhà tình thương làm cơm cho mọi người. Mặc dù khi đó hoàn cảnh khó khăn nhưng ai cũng vui vì thấy việc làm của mình có ý nghĩa”, sơ Hảo tâm sự.
Theo sơ Hảo, mới đầu, số lượng người có hoàn cảnh khó khăn được cưu mang tại nhà tình thương còn ít, càng ngày, số người càng tăng lên. Tự túc không đủ, các sơ phải đi khắp nơi để xin giúp đỡ.
Cho đến giữa năm 2017, hoạt động thiện nguyên của các sơ trong nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô mới được nhiều người biết đến và hỗ trợ giúp đỡ. Cũng từ đó đến nay, bên cạnh hơn 10 sơ thay nhau sinh hoạt, làm việc tại nhà tình thương còn có sự chung tay giúp đỡ của nhiều đơn vị, cá nhân.
Những mảnh đời bất hạnh
Sơ Hảo cho biết, hiện tại, nhà tình thương đang chăm sóc cho 25 hoàn cảnh éo le. Trong đó có 7 người khiếm thị, 3 người bị tàn tật, 1 thai phụ, 11 trẻ em và 3 người mắc bệnh thần kinh.
Không những thế, trong 11 năm hoạt động, nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô đã bảo vệ hơn 40 em nhỏ ra đời an toàn. “Những trường hợp mang bầu ở đây đa dạng lắm. Người thì còn đang học, đang đi làm, trót dại yêu đương rồi mang bầu. Bỏ đi thì sợ tội, nhưng không có khả năng nuôi nấng nên phải mang đến đây để nhờ cậy.
Rồi thì có những trường hợp thai phụ mắc bệnh thần kinh. Những cô gái này trước đây đã mang sẵn căn bệnh này trong người. Tinh thần không ổn định nên bị người khác cưỡng bức dẫn đến mang bầu. Gia đình hoàn cảnh, sợ điều tiếng xã hội nên mang đến đây gửi gắm…
Có người chẳng may mang thai, người yêu bắt bỏ nhưng lại không nhận tâm làm chuyện ác độc vậy nên quyết định chia tay và chấp nhận sinh con một mình. Song vì sợ người đời đàm tiếu, hoàn cảnh khó khăn nên đến nhà tình thương nương nhờ các sơ”, sơ Hảo kể.
Còn về những người già, đa phần các cụ đều không có nơi nương tựa lúc tuổi cao, sức yếu. Nhiều cụ gần 70 tuổi vẫn phải lang thang ngoài đường kiếm ăn. Có cụ thì con cái tệ bạc, không chăm sóc khi về già đều được nhận về nhà tình thương để chăm sóc.
Với những hoàn cảnh như vậy, chẳng cần biết quê quán, chẳng cần có lý do, mặc dù đường xá xa xôi các sơ vẫn đến tận nơi đón về nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô để chăm sóc.
Mai Chi (3 tuổi) chắc có lẽ là hoàn cảnh đáng thương nhất đang được cưu mang tại nhà tình thương. Cô bé bước sang tuổi thứ 3 nhưng cân nặng chỉ vỏn vẹn 6kg. Cả ngày, Mai chi nằm im một chỗ, không nói, không cười, đôi mắt vô hồn lúc nào cũng hướng lên khoảng không vô định. Cô bé bị bệnh não úng thuỷ.
“Khác với những hoàn cảnh khác, Chi là con của một đôi vợ chồng có cưới hỏi bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian mang thai, Chi được phát hiện bị não úng thuỷ nên sau khi sinh ra chưa đầy 2 tháng, Chi đã được họ mang đến đây gửi gắm và không bao giờ thấy quay lại nữa”, sơ Hảo nhớ lại.
Trong trí nhớ của những sơ tại nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô, khi mới nhận, Mai Chi là một cô bé rất đẹp, kháu khỉnh. Được một thời gian, căn bệnh quái ác khiến đầu cô bé trở nên to lên, mắt lồi, đau đớn quấy khóc suốt đêm.
Sơ Hảo kể: “Khi đi khám, các bác sĩ khuyên các sơ nên đưa Mai Chi về để chuẩn bị lo hậu sự. Tuy nhiên, tất cả các sơ tại đây đều không đành lòng để chuyện đó xảy ra nên đã kêu gọi đưa Mai Chi đi điều trị”,
Vài tháng điều trị, đầu Mai Chi đã bớt to, đôi mắt đã có hồn hơn. Em đã có thể phản ứng lại với người xung quanh. Tuy nhiên: “Ngày Chi ra đi cũng chỉ là sớm hay muộn nên thời điểm hiện tại, mọi người trong nhà tình thương đều dành cho Chi những tình cảm thiêng liêng nhất”, sơ Hảo nghẹn lời.
Khánh Linh (6 tháng tuổi) cũng là một trường hợp thương tâm khác tại nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô. Trong trí nhớ của sơ Hảo, Khánh Linh là em bé hầu như ngày nào cũng phải uống thuốc để điều trị.
Cái ngày Khánh Linh đến với nhà tình thương cũng rất đặc biệt. Hai người dân đưa người đàn bà bụng bầu đến nhà tình thương để nhờ cậy sự giúp đỡ. Trong cuộc nói chuyện, hai người tóc đã bạc trắng đầu cho biết người phụ nữ là con gái họ, do bị tâm thần nên đi lang thang khắp nơi và bị cưỡng hiếp dẫn đến mang thai.
“Hai người cũng trình bày do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuổi cao sức yếu không thể chắm sóc cho cháu bé sắp chào đời nên đến nhờ cậy các sơ. Sau khi sinh mổ an toàn, cháu bé được các sơ nhận về nuôi trong khi người phụ nữ được trả về với gia đình.
Có thể trong thời gian mang thai, người phụ nữ ăn uống không đầy đủ, hợp vệ sinh nên đã mắc nhiều bệnh phải dùng thuốc để điều trị”, sơ Hảo thông tin.
Cụ Vũ Thị Nhiệm (93 tuổi) được các sơ tại nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô cưu mang từ những ngày đầu thành lập đến nay. Cụ Nhiệm có con cái nhưng lúc tuổi cao sức yếu, cụ lại bị mù cả 2 mắt nên chẳng ai nhận chăm sóc.
Cảm thương trước hoàn cảnh của cụ, các sơ tại nhà tình thương đã đón cụ về chăm sóc, nuôi nấng tại đây đã ngót nghét 11 năm. “Cụ Nhiệm đã hỏng cả 2 mắt nên việc sinh hoạt, ăn uống hàng ngày đều do các sơ chăm lo hết. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, nói chuyện rõ ràng”, sơ Hảo cho biết.
Có những sản phụ đến nhà tình thương sinh nở, sau một thời gian lại mang con đi. Có những sản phụ lại chọn cách để lại “giọt máu” của mình rồi không bao giờ trở lại. Có những em bé khoẻ mạnh được làm thủ tục để đến một gia đình mới, cũng có những em bé tinh thần không ổn định sẽ mãi mãi phải nhờ cậy sự chăm lo của các sơ. Có những cụ già chẳng thể nhớ nổi nơi mình sinh ra nhưng lại biết nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô sẽ là nơi mình “nằm lại”.