Chuyên gia giải thích vì sao Bình Thuận vẫn có đến 9 ca mắc Covid-19 dù trời nắng nóng?
Với tốc độ lây của bệnh nhân số 34 tại Bình Thuận, các chuyên gia y tế cho rằng bệnh nhân này là “siêu lây nhiễm” vì đã lây cho 8 người, cả F1 và F2 .
Lực lượng chức năng phong tỏa, cách ly tại khu vực đường Ngô Sĩ Liên và Hoàng Văn Thụ, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết - Ảnh: TT
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam trả lời trên Infornet, ca bệnh số 34 là ca siêu lây nhiễm vì đã lây cho 8 người. Khả năng lây lan tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố hoạt động của virus nhiều hay ít.
Bệnh nhân phát bệnh mạnh nhất ở giai đoạn toàn phát, tức là có triệu chứng ho, khạc. Virus bám vào các protein có trong giọt bắn. Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh có thể bị các giọt bắn này bắn vào mặt, mắt, mũi. Ngoài ra, virus có thể bám vào các vật dụng như bàn ghế, đồ dùng trong nhà và người khác có thể lây nhiễm khi sờ vào các đồ dùng này.
Thạc sĩ Hà cho biết cần tìm thêm các chứng cứ khoa học về việc vì sao có người lây lan cho nhiều người nhưng có người không lây lan cho người khác.
GS Nguyễn Văn Tuấn - chuyên gia dịch tễ Australia cho rằng xác suất bị lây nhiễm còn tùy thuộc vào khả năng miễn dịch của mỗi cá nhân. Người có hệ miễn dịch tốt có xác suất bị nhiễm thấp hơn những người mà hệ miễn dịch bị suy yếu do các bệnh đi kèm như tiểu đường, bệnh asthma…
Đã có nhiều thông tin từ đầu mùa dịch cho rằng virus SARS-CoV-2 không sống được ở nhiệt độ cao. Điều này chưa được xác thực vì đến nay, dù đang nắng, nhiệt độ cao, nhưng Bình Thuận vẫn có 9 ca mắc Covid-19 và trở thành địa phương có số ca mắc nhiều thứ hai sau Vĩnh Phúc.
GS Tuấn cho rằng một số virus cúm mùa thường lây lan vào mùa Đông hoặc ở những nơi có nhiệt độ ôn đới. Nhưng hiện nay, giới khoa học vẫn chưa khẳng định SARS-CoV-2 có thể sống trong điều kiện nhiệt độ cao hay không.
Bác sĩ Nguyễn Quang Thái - chuyên gia truyền nhiễm tại Hà Nội - cho rằng cần xem xét lại quan niệm virus corona chủng mới sẽ bị tiêu diệt khi thời tiết nắng nóng. Bác sĩ Thái cho rằng chùm 8 ca bệnh mới phát hiện ở Bình Thuận càng củng cố thêm cho nhận định đó.
Theo bác sỹ Thái, vấn đề ngoại cảnh có thể có ảnh hưởng ít nhiều, nhưng quan trọng vẫn là hành vi của con người.
Trước đó, ngày 6/3, ông Michael Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp về y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu rằng dịch Covid-19 vẫn xuất hiện ở nơi có khí hậu nóng và mọi người không nên ảo tưởng rằng đến mùa Hè thì dịch sẽ tự tan.
Bà Maimuna Majumder, một nhà dịch tễ học khác của Harvard, cho rằng việc virus corona có giảm sức lây nhiễm vào mùa hè hay không vẫn là dấu hỏi lớn.
"Chỉ vì một số bệnh về đường hô hấp như cúm có tính mùa vụ, không có nghĩa là Covid-19 cũng sẽ như thế", bà Majumder nhận xét.
Bà và các đồng nghiệp gần đây đã xuất bản nghiên cứu (cũng chưa được bình duyệt) gợi ý rằng những thay đổi về thời tiết trên khắp Trung Quốc dường như không ảnh hưởng đến quá trình bùng phát.
Trước đó, tờ South China Morning Post ngày 8/3 dẫn nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Trung Sơn tại Quảng Đông (Trung Quốc) cho thấy virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 có thể lây lan nhanh nhất ở 8,72 độ C.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên cho rằng virus này có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các mùa trong năm giống những virus khác như virus gây cảm cúm.
Nghiên cứu nhằm tìm hiểu cơ chế virus corona bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ và thời tiết nhận thấy nhiệt độ ảnh hưởng đáng kể đến sự lây nhiễm và có thể có một ngưỡng nhiệt độ lý tưởng đối với chúng.