Chính phủ thông tin về việc bỏ Tết cổ truyền
''Chính phủ chưa bàn việc gộp Tết. Chúng ta cần phải giữ những gì là nét đẹp trong truyền thống của dân tộc" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Trước câu hỏi của báo chí về đề xuất gộp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân, hiện Chính phủ chưa nhận được báo cáo chính thức của cơ quan nào.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (trái) và Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (phải) tại cuộc Họp báo Chính phủ chiều 3/2. Ảnh Tuổi trẻ
Theo ông Dũng, Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hoá và đã được quy định bởi Luật lao động, theo đó người lao động được nghỉ trong dịp này với thời gian cụ thể tuỳ theo từng năm.
“Tết cổ truyền là truyền thống văn hóa, nét đẹp của Việt Nam, đi vào tiềm thức, chúng ta phải giữ. Chưa cơ quan quản lý Nhà nước nào đặt vấn đề như phóng viên nêu. Đây là suy nghĩ cá nhân của một số chuyên gia nên ta chưa thảo luận, Chính phủ hiện cũng không đặt vấn đề gì”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, nhìn chung, Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017 được tổ chức đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn; tạo không khí vui mừng, phấn khởi, tin tưởng trên khắp cả nước.
Trước đó có nhiều ý kiến tranh cãi việc bỏ Tết Âm lịch. Ảnh minh họa
Chính phủ và các địa phương đã chuyển quà Tết đến hơn 2 triệu người có công với tổng số tiền 431 tỷ đồng; cấp phát trên 14.000 tấn gạo cứu đói cho gần 300.000 hộ; các địa phương đã trích ngân sách hơn 1000 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào nhân dịp Tết.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử tốt đẹp giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền ước tính 400 tỷ đồng.
Đây là năm đầu tiên không tổ chức bắn pháo hoa tại các địa phương nhưng có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông được tổ chức rộng khắp, phong phú, đáp ứng tạo không khí vui tươi, phấn khởi và là món ăn tinh thần của người dân trong dịp Tết.