Cảnh giác việc mạo danh hội Phật giáo xin tiền xây chùa, chữa bệnh, làm từ thiện
Những ngày gần đây, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng kẻ lừa đảo giả danh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin tiền xây chùa, chữa bệnh, làm từ thiện.
Hòa thượng Thích Huệ Thông. Ảnh: Báo Pháp luật TP HCM
Trao đổi với Báo Pháp luật TP HCM ngày 7/4, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có thông báo kêu gọi ủng hộ xây dựng chùa, làm từ thiện.
Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, thời gian gần đây nhiều phật tử ở Bình Dương nhận được tin nhắn xin tiền ủng hộ xây dựng chùa, chữa bệnh, làm từ thiện. Đáng chú ý, trên mạng xã hội còn xuất hiện văn bản thông báo 223/TB-HĐTS ngày 15/3/2023 kêu gọi ủng hộ, công đức xây dựng chùa Trường Pháp tại xã Tường Long A (huyện Châu Thành, Hậu Giang).
Văn bản giả mạo thông báo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Không những thế, những kẻ lừa đảo còn giả mạo thông báo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói rằng Ni sư Thích nữ Hương Nhũ, Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó trưởng Khoa Đào tạo từ xa, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, trụ trì chùa Thiên Quang tại tỉnh Bình Dương, bị tai biến, nằm điều trị, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn và kêu gọi gửi tiền ủng hộ.
Điều đáng quan tâm là thông tin là bịa đặt nhưng tài khoản để gửi tiền ủng hộ thì có thật, của một chủ tài khoản tên là Lê Thị Yến T tại MSB Bank. Kẻ trục lợi thông tin rằng Ni sư Thích nữ Hương Nhũ có thế danh là Lê Thị Yến T. và chú thích thông tin số tài khoản trên là của Ni sư. Trong khi đó, Ni sư Hương Nhũ có thế danh khác, họ Hoàng chứ không phải họ Lê.
Bài viết kêu gọi ủng hộ tiền chữa bệnh lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Hòa thượng Thích Huệ Thông khẳng định văn bản nêu sự việc như trên là hoàn toàn giả mạo. Đồng thời cho biết thêm, ngoài các trường hợp trên còn có một số tổ chức, cá nhân mạo danh, tự ý sử dụng hình ảnh bệnh viện trên các trang mạng xã hội, facebook, website, giả mạo số điện thoại để nhắn tin, gọi điện giới thiệu các hội thảo tư vấn, các dịch vụ, các loại thuốc điều trị hỗ trợ không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng, hết hạn sử dụng... có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí tử vong.
Thông tin thêm với Thông tấn xã Việt Nam, Hòa thượng Thích Huệ Thông tin thêm, những kẻ lừa đảo đăng trên nhiều hội nhóm để lừa đảo người dân. Những bài viết còn được chạy quảng cáo để nhiều người tiếp cận thông tin và ủng hộ tiền, với kết quả được tương tác rất lớn.
Trước tình trạng này, Hòa thượng Thích Huệ Thông khuyến cáo người dân và các phật tử chú ý cảnh giác trước các thông tin giả mạo và không chuyển tiền vào các tài khoản của những kẻ lừa đảo trên mạng xã hội.