Cảnh báo những tác hại nguy hiểm khi dùng nhân sâm

26-11-2019 13:29:01

Nhân sâm là một vị thuốc đông y rất quý nhưng nó cũng có không ít tác dụng phụ không mong muốn mà người dùng phải cảnh giác, đặc biệt khi dùng ở liều cao, dài ngày.

TS Phạm Việt Hoàng – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội cho biết trêm Infonet nhân sâm là một trong những vị thuốc cổ truyền trong Đông y. 


Cảnh báo tác dụng phụ khi dùng nhân sâm 

Nhân sâm vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào hai kinh tỳ và phế; có tác dụng bổ tâm dịch, bổ nguyên khí nhất là ở phế, thần kinh suy nhược. Nhân sâm thường được dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác, tùy thuộc vào từng trường hợp.

Nhân sâm dùng riêng để diều trị các bệnh khí huyết hư, mất máu, chân tay lạnh, thở nông, mạch yếu. Trong chữa bệnh khác, nhân sâm phối hợp với Bạch truật, Phục linh, Cam thảo: Tỳ vị kém, biểu hiện kém ăn, mệt mỏi, đầy thượng vị và bụng. 

Nhân sâm phối hợp với Lộc nhung: Thiếu khí ở phổi, biểu hiện như thở nông, ra mồ hôi trộm và mệt mỏi; tiểu đường hoặc kiệt khí do sốt gây ra biểu hiện như khát, ra mồ hôi, kích thích thở nông và mạch yếu…; kích thích tâm thần biểu hiện như trống ngực, lo lắng mất ngủ, hay mộng mị, hay quên; bất lực ở đàn ông, phụ nữ. Liều dùng ngày 4 – 12g.

Có thể sử dụng nhân sâm tẩm rượu, ủ mềm, thái lát, sao nhỏ lửa. Nếu cứng hấp trong nồi cơm cho mềm. Hoặc dùng chín như nhân sâm tẩm nước Gừng, sao gạo Nếp cho vàng rồi cho vào đảo qua, bắc ra đảo thêm một lúc là được. Sau khi bào chế có thể tán bột uống hoặc uống với thuốc thang đã sắc.

Tác dụng phụ khi sử dụng nhân sâm tươi là điều không phải người tiêu dùng nào cũng để ý đến. Thông thường vì tâm lý cho rằng nhân sâm là vị “thần dược” chữa được bách bệnh nên nhiều người đã quá lạm dụng, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. 

Ai không nên dùng nhân sâm?

Phụ nữ mới đẻ huyết xông lên, bệnh sơ cảm mới phát, mới thổ huyết; cảm mạo, phát sốt; bệnh gan mật cấp tính; viêm dạ dầy và ruột cấp tính, bị nôn mửa đau bụng đi ngoài; viêm loét hốc dạ dày cấp tính và xuất huyết; bị giãn phế quản, ho ra máu; cao huyết áp; di tinh, xuất tinh sớm; người có bệnh về hệ thống miễn dịch; phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 14 tuổi…

Theo một nghiên cứu mới, những người uống nhân sâm trước khi mắc bệnh ung thư vú có thể giảm tới 30% nguy cơ tử vong và phục hồi nhanh hơn sau khi điều trị. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng Nhân sâm thường có tác dụng phụ khi dùng cùng với các loại thuốc khác nên người bị ung thư vú cần tư vấn bác sĩ trước khi dùng.

Trong sâm có một số thành phần như panacen, panaquillon, panaxin, panax sapogenol... có thể gây ngộ độc. Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, cơ thể còn non yếu nên rất dễ trúng độc. Trẻ bị ngộ độc sâm, thường có các triệu chứng: hay kêu khóc, quấy nhiễu không yên, mặt nhợt nhạt, xuất hiện các vết tím bầm, co quắp, thở gấp, tim đập chậm, nôn mửa v.v..

Một số tác dụng phụ:

Hạ đường huyết

Sử dụng nhân sâm quá liều có thể làm cho lượng đường máu trong cơ thể giảm mạnh. Bệnh nhân tiểu đường đang dùng thuốc không nên sử dụng nhân sâm vì nó có thể làm giảm lượng đường trong máu của cơ thể và gây ra một số tác dụng phụ.

Viêm mạch máu

Liều cao của nhân sâm có thể gây viêm các mạch máu trong não, có thể dẫn đến đột quỵ, sốt, nhức đầu...

Ức chế đông máu

Sâm ức chế đông máu vì nó hoạt động như chất làm loãng máu hoặc chống đông. Nó có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề chảy máu. Nên tránh dùng nhân sâm trước khi phẫu thuật. Những người gặp vấn đề về đông máu hoặc rối loạn chảy máu nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng nhân sâm.

Dị ứng

Những người bị dị ứng với nhân sâm có thể bị khó thở, ngứa, phát ban..., phản ứng nặng có thể gây tử vong. Vì vậy, hãy cẩn thận nếu bạn bị dị ứng với loại thảo dược này.

Tâm thần phân liệt

Liều cao nhân sâm có thể ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể. Sử dụng nhân sâm với thuốc chống loạn thần có thể làm thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh ở những người bị tâm thần phân liệt hoặc chứng rối loạn tâm thần khác.

Các tác dụng phụ khác

Việc sử dụng nhân sâm kéo dài có thể dẫn đến rối loạn chảy máu, phù, nhịp tim không đều hoặc đánh trống ngực, thị lực giảm, ngứa, khô miệng và môi.

Nhân sâm rất tốt cho sức khỏe. Bài ​​viết này không phải để bạn tránh xa nhân sâm. Điều quan trọng là phải nhớ rằng tiêu thụ loại thảo dược này với số lượng vừa phải, phù hợp với cơ thể. 

Diệu Tâm (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //