Cảnh báo bệnh xương khớp tăng nặng trong mùa đông, đe doạ dân văn phòng

23-12-2018 06:54:25

Vào mùa đông, khi thời tiết lạnh giá nhiều người thường gặp các vấn đề về xương khớp. Đặc biệt là dân văn phòng với các bệnh thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm.


Vào mùa đông, các bệnh thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm thường gây ra nhiều đau đớn hơn cho người bệnh. Ảnh minh họa.

Vào mùa đông, nhiều người thường gặp phải các vấn đề như đau mỏi, tê cứng thắt lưng và vai gáy, đi lại khó khăn, đau khi cúi người, vươn người, bê vác đồ vật... Họ cho rằng gặp các vấn đề trên là do ngồi lâu ở một tư thế, lười vận động, chủ yếu gặp ở những người làm việc văn phòng. Tuy nhiên, ít người biết rằng đó có thể là biểu hiện của các bệnh thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm.

Bệnh nhân Trần Hữu Tường (60 tuổi) là nhân viên văn phòng đang công tác tại Singapore cho biết bỗng một buổi sáng mùa đông thức dậy ông cảm thấy tê buốt nửa người trên. Ban đầu nghĩ rằng do ngủ sai tư thế nên ông T. không đi khám. Tuy nhiên tình trạng bệnh ngày càng nặng khiến ông Tường đêm phải ngủ ngồi.

Sau khi đi khám, các bác sĩ kết luận thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống, đau vai gáy, đau thắt lưng hông. Tuy nhiên, sau điều trị 15 ngày tại bệnh viện tình trạng vẫn chưa cải thiện. Lúc này bệnh nhân đã tìm đến các bác sĩ đông y và để giác hơi, châm cứu, bấm huyệt, uống thuốc…. May mắn là tình trạng bệnh đã được cải thiện đáng kể sau 2 tuần.


Bệnh nhân thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm được châm cứu bấm huyệt. Ảnh minh họa.

Một nhân viên văn phòng khác cũng khốn khổ vì thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm đó là trường hợp của chị Nguyền Thu Hương (33 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội). Chị Hương cho biết, chị làm văn phòng, công việc không vất vả nhưng thường xuyên ngồi lâu ở một tư thế, trong một buổi sáng mùa đông, chị bất ngờ cúi xuống bê chậu nước rồi thấy có cơn đau buốt từ hông xuống đùi, kéo tới các ngón chân, không đứng thẳng lên được nữa. Đi khám bác sĩ cho biết chị bị thoát vị đĩa đệm.

Trả lời Đời sống Plus, Lương y đa khoa Nguyễn Thanh Thúy, phòng khám Đông y Ích Thọ Đường (Thanh Xuân, Hà Nội), thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm là hai vấn đề thường đi kèm với nhau. Vào mùa đông, vấn đề sức khoẻ này càng phổ biến hơn.

Cột sống được cấu tạo từ gồm 33 đốt sống, các đĩa đệm giữa 2 đốt sống và hệ thống dây chằng liên kết giữa các đốt sống. Hệ thống này giúp bảo vệ tủy sống và các rễ thần kinh. Khi cột sống thoái hóa, các đốt sống sẽ mọc ra những gai xương; những dây chằng xơ hóa, tích canxi, yếu hơn. Những điều trên gây ra sự bất ổn cho sự vững chắc của cột sống, gây mất đường cong sinh lí cột sống, gai xương chèn ép vào rễ thần kinh gây ra đau.

Trong khi đó, đĩa đệm thường bắt đầu thoái hóa từ 30 tuổi. Bộ phận này của cơ thể được cấu tạo từ các vòng xơ ở bên ngoài và nhân nhày keo ở giữa. Khi thoái hóa đĩa đệm sẽ mất bớt nước, giảm độ đàn hồi, vòng xơ sẽ giòn và dễ rách hơn. Khi có chấn thương tạo áp lực tác động đột ngột tác động vào đĩa đệm sẽ làm cho vòng xơ rách gây thoát nhân nhầy ra ngoài. Như vậy thoát vị đĩa đệm vốn do nguyên nhân thoái hóa gây nên. Yếu tố chấn thương chỉ như giọt nước tràn ly gây nên tình trạng này.

Triệu chứng của thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm

- Đau mỏi thắt lưng, đau mỏi vai gáy âm ỉ, thường xuyên. Đau hơn khi vận động xoay, cúi, ngửa. Nặng hơn là đau tê mỏi lan từ lưng xuống hai chân, gáy xuống hai tay.

- Đau nhói, buốt, đau rát lan dọc cột sống lan xuống chân, đau gây mất ăn, mất ngủ. Hạn chế vận động cúi, ngửa xoay, nghiêng.

- Dáng đi bất thường, cột sống cong vẹo không cân đối.

- Thậm chí có những trường hợp mất kiểm soát việc đại tiện và tiểu tiện, mất cảm giác nghiêm trọng vùng mông, cùng cụt, mặt trong đùi, mặt sau chân. Rối loạn chức năng sinh dục.


Lương y đa khoa Nguyễn Thanh Thúy, phòng khám Đông y Ích Thọ Đường

Điều trị thoái hóa bằng đông y thế nào?

Với phương châm chữa bệnh chữa tận gốc, chậm mà chắc. Biện chứng luận trị của Đông y không chỉ đơn thuần tập trung vào triệu chứng mà còn giải quyết nguyên nhân.

Theo Y học cổ truyền, cột sống lưng bị thoái hóa là do chức năng của thận bị suy giảm, do phong thấp hàn xâm nhập vào cơ thể khiến các kinh lạc bế tắc, máu huyết kém lưu thông, lâu ngày dẫn đến thoái hóa xương khớp.

Để điều trị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm, y học cổ truyền sẽ dùng những phương pháp: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tác động cột sống, dùng thuốc... Tất cả đều dựa trên cơ chế: hành khí, hoạt huyết, thông kinh tán hàn, trừ thấp, bổ khí huyết, bổ thận.

Nhờ những phương pháp đó, không chỉ giải quyết được triệu chứng đau cho bệnh nhân mà còn làm tăng cường sức mạnh của cơ, gân, xương từ đó giảm thoái hóa, tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân khỏe hơn.


Xem thêm video: Trẻ 10 tháng tuổi bị tím đùi, xước mặt sau khi từ trường mầm non về

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN //