Cái kết của phim Người phán xử: Đầu đã xuôi mà đuôi không lọt!
Thay vì sự nuối tiếc, day dứt, ám ảnh, hoặc thỏa mãn, thăng hoa, lắng đọng cảm xúc như lẽ ra nó cần có, thì hầu hết người xem lại có cảm giác hụt hẫng, thất vọng, chán nản sau khi xem Người phán xử....Tại sao vậy?
Trước khi tập cuối của phim trình chiếu, đã có thông tin về việc cái kết của bộ phim bị "lộ trước giờ G". Việc lộ kết phim không thực sự đáng bận tâm nhiều lắm, bởi, với một bộ phim hay, dù có thể đoán trước ra cái kết hay biết trước kết cục, người ta vẫn hồi hộp, nín thở đón xem nó.
Có điều, ở Người phán xử, không chỉ cái kết hệt như những gì bị "lộ ra" trước đó, mà nó còn khiến khán giả thất vọng, chán nản, hụt hẫng, cảm xúc gần như trái ngược với những gì người ta chờ đợi. Có người gọi đó là mô tuýp của kiểu làm phim "đầu Tây-đuôi Việt".
Hình ảnh phim Người phán xử bị lộ ra trước đó. Ảnh: Chụp màn hình
Điểm dở đầu tiên của cái kết phim, đó vẫn là vấn đề muôn thuở của tư duy, mô tuýp "Thiện thắng ác"- "Chính nghĩa thắng gian tà"- "Công an sẽ quét sạch tội phạm"...
Tất nhiên, trong nghệ thuật hay ngoài đời, quy luật đó là hiển nhiên. Song, cách làm kiểu cứng nhắc như cái kết của Người phán xử hôm qua là quá gượng. Với lực lượng hùng hậu, được trang bị "tận răng", đương nhiên, dù có là Tập đoàn tội phạm như Phan Thị cũng khó mà đủ sức chống cự lại. Nhưng, nhìn những hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát rệu rã chậm rãi bước lên xe, sau đó lò dò dàn quân, quả thật, khiến người ta không thể hình dung nổi là các anh đang đi đánh một trận "quyết định".
Ấy vậy mà, với những con người ấy, động tác như thế, họ đã "hốt gọn" cả Tập đoàn Phan Thị mà không phải đổ một giọt mồ hôi, đừng nói là "máu". Công lý biết là sẽ thắng gian tà, nhưng, thắng một cách đơn giản, nhạt phèo thế, quả là không xứng chút nào.
Lực lượng công an dễ dàng "hốt gọn" tập đoàn Phan Thị. Ảnh: Chụp màn hình
Điều mà tôi nghĩ là thất bại nữa trong cái kết của phim, đó là đạo diễn để quá nhiều nhân vật phải...chết. Trong đó, hầu hết là những cái chết không xứng tầm, không cần thiết, hoặc nguyên nhân, tình tiết dẫn đến cái chết nhạt nhẽo, thậm chí ngờ nghệch, ngớ ngẩn.
Đầu tiên là cảnh đám Phúc Hô và đàn em khống chế ông trùm Thế Chột và Tùng còi, rồi sau đó có một nhân vật được cho là người "vận chuyển" hàng đến. Đây là nhân vật đã được Lê Thành "nắn gân" trước khi giao trọng trách.
Nhưng quả thật, cái cảnh sau khi nhân vật "cảm tử" này giao hàng rồi lúi húi, lò dò chạy, để Phúc Hô bắn chết quả thật vô duyên, hài hước hết chỗ nói. Nực cười hơn ở chỗ, sau khi bị dính đạn, cậu vẫn kịp bấm nút để cho quả bom trong chiếc giỏ hàng phát nổ. Nếu bộ phim không còn phần tiếp theo, người xem sẽ mặc định là tất cả các nhân vật xuất hiện trong cảnh đó đều bị tan xác. Trong đó, có những tay trùm xã hội đen khét tiếng của lãnh địa.
Thế lực là vậy, tiếng tăm là vậy, mà cùng chết chung với nhau bằng một "nhát bấm", quả thật, còn gì nhạt nhẽo bằng? Lẽ ra, với những tên tuổi ấy, đạo diễn có thể dày công hơn để sắp xếp cho cái kết bi hùng, ám ảnh, hoặc xứng đáng hơn.
Phúc Hô và Thế Chột chết nhạt nhẽo. Ảnh: Chụp màn hình
Đó là "những cái chết tập thể". Còn, nhiều nhân vật được đạo diễn bắt phải chết...lẻ tẻ khác cũng gượng gạo, sống sượng, thiếu thuyết phục. Điển hình như cô em gái của anh em Tuấn Tú. Sao cô phải chết khi những luồng sáng chuẩn bị mở ra trước mắt? Hay Lê Thành, có cần phải sắp xếp cảnh ông Phan Quân thể hiện sự nhanh nhạy của ông trùm khi dùng súng nhanh tay bắn một phát vào mạng sườn khi cậu ta định thò tay vào túi sau móc cái giấy xét nghiệm ra không?
Theo tâm lý và diễn biến phim, tôi tin rằng ông Phan Quân vẫn vững niềm tin rằng Lê Thành là con ruột của ông. Nên, tình huống này, dù Lê Thành có động thái trước, nhưng với bản lĩnh và đẳng cấp của mình, ông Phan Quân không cần thiết phải bắn vào chỗ phạm của Thành như vậy.
Kể cả tình huống xấu nhất, để Lê Thành trực tiếp bắn ông Quân, như vậy có lẽ còn hợp lý hơn. Vì, triết lý của Người phán xử là: Giang hồ, nhưng vẫn sống bằng Tình. Vì Tình, ông có thể để cho con mình bắn mình, đó mới thực sự là tâm thế của một "ông lớn".
Lê Thành bị Phan Quân bắn. Ảnh: Chụp màn hình
Cái chết của Lương Bổng thì lại càng nhạt hơn. Một người trung thành sẵn sàng hiến tính mạng của mình cho ông chủ như Lương Bổng, sẽ không bao giờ tự sát khi chưa biết số phận gia đình ông chủ như nào. Đã vậy, cái tình huống Lương Bổng ném cái cuốn sổ được cho là chứa đầy những điều bí mật của Phan Thị ra cho Bảo Ngậu, rồi mới tự sát, thật sự khó hiểu.
Người trong giới, họ thường tự sát để giữ danh phận, tự trọng, uy tín. Và họ chọn cái chết khi không còn cách nào khác. Đằng này, Lương Bổng lại chết khi vẫn còn nhiều sự lựa chọn. Và một người trung thành như anh ta lại giao chứng cứ cho đối phương trước khi chết, như một sự "phản bội", bán đứng ông chủ, điều mà lẽ ra anh phải sống chết bảo vệ nó đến cùng, đó là tình tiết thật sự phản cảm.
Cái chết của Lương Bổng còn nhạt hơn cái chết của Lê Thành. Ảnh: Chụp màn hình
Cu Bin, nhân vật xuất hiện với thời lượng nhiều ở phần cuối cùng bộ phim, có lẽ là vai diễn dở nhất. Trước đó, "cậu chủ nhỏ" diễn đã không có gì ấn tượng rồi, nhưng vì là vai "phụ của phụ", nên không khiến khán giả để ý nhiều. Nhưng, ở tình huống kết phim thì lại khác.
Hình ảnh cậu bé mếu máo không ra mếu máo, căm phẫn không ra căm phẫn, sợ hãi không ra sợ hãi, đau xót không ra đau xót, thật khiến khán giả không hiểu nổi rồi Phan Thị và tương lai cậu bé sẽ đi về đâu? Không hiểu sao, đạo diễn lại chọn một cậu bé có nét mặt thiếu ấn tượng, diễn dở như vậy. Theo logic, ông bà nội, ngoại, bố mẹ đều tướng mạo đẹp, phong độ hơn người, lẽ ra cậu cũng phải có "tướng tinh" của con nhà nòi. Đằng này, cậu lại không có được cái dáng vẻ, thần thái ấy.
Cu Bin. Ảnh: Chụp màn hình
Nhắc đến hình ảnh cậu mếu máo, mới càng thấy đạo diễn đã thật sự thiếu nhân văn khi để cậu bơ vơ ở cảnh cuối cùng. Dù ở đâu cũng vậy, trẻ em luôn được nâng niu, trân quý, được mở ra cho những cánh cửa tươi sáng trước mắt.
Nhưng ở cảnh kết này, đạo diễn tuân theo điều đó. Đến mức khi cậu muốn ôm ông nội, điều chẳng vô hại lắm, các anh cảnh sát vẫn hốt hoảng đẩy ra, như sợ cậu bé kia ra tai họa. Kết đẹp hơn, theo tôi, là đạo diễn nên để người mẹ ở lại cùng con, để cho thấy cậu vẫn được che chở và sắp xếp cho một tương lai mới.
Nếu không, nên cho Bảo Ngậu ở lại trấn an, động viên, dẫn cháu bé đi về phía bớt sợ hãi và cô đơn hơn. Để người ta thấy rằng, dù ông, bà, bố mẹ mình có phạm tội tày trời thế nào, thì đứa trẻ vô tội, hồn nhiên, trong trẻo kia vẫn được quyền sống bình an, hứa hẹn những tương lai, hi vọng. Tiếc rằng, đạo diễn đã không làm được điều đó.
Với những cái "dở" khó lòng chấp nhận đó, cùng với nhiều tình tiết phụ đầy "sạn" khác, khiến người ta, đang có chút hi vọng về một bộ phim hấp dẫn, đáng xem lại phải hụt hẫng, chán nản ở đúng phần cuối cùng. Đầu đã "xuôi", vậy mà đuôi chưa chịu "lọt". Đến bao giờ, thì cảnh đó mới không còn xảy ra?!?