Cách sơ cứu, xử trí vết thương nhanh nhất khi bị chó cắn
Theo các bác sĩ khi không may bị chó cắn, nên bình tĩnh sơ cứu theo hướng dẫn dưới đây. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Vừa qua Trung Tâm Sản Nhi - BVĐK Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Hải Đ. (7 tuổi, trú tại Xuân Lũng, Lâm Thao) trong trạng thái tâm lý hoảng sợ, nhiều vết cắn ở vùng bắp đùi cả hai chân .
Nhiều người không may bị chó nuôi hoặc chó thả rông tấn công
Gia đình cháu Đ. cho biết, cháu sang hàng xóm chơi đã bị chó nuôi thả rông lao ra tấn công gây ra hậu quả là rất nhiều vết rách tại 2 bên chân. Nghe tiếng la hét của cháu, hàng xóm và gia đình lập tức đưa bé đến trạm y tế gần đó để sơ cứu sau đó được chuyển thẳng tới Trung tâm Sản Nhi. Sau khi đánh giá tình trạng vết thương, các bác sỹ đã khâu gần 70 mũi.
“Cứ vào đi, nó không cắn đâu” – câu nói kinh điển và mối nguy hiểm của chó thả rông
Theo thống kê tại Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, từ đầu hè tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Một số trường hợp chỉ bị xước nhẹ, nhưng cũng có trường hợp phải khâu rất nhiều mũi như trường hợp của bé Đ.
Hầu hết các trường hợp bị chó cắn thường là do chủ quan cả từ phía gia đình nuôi chó và từ phía trẻ. Câu cửa miệng của các gia đình thường là “cứ vào đi, nó không cắn đâu” hoặc “chó nhà hiền lắm”… Trẻ em thì thường thích chơi đùa với vật nuôi là chó, mèo, tuy nhiên đôi khi cũng không thể kiểm soát hết được hành động của loài vật này.
Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Nhà có trẻ con, thì không nên nuôi giống chó to và dữ. Khi nuôi chó, người dân phải tiêm phòng đầy đủ, chó phải được thuần dưỡng, chó phải được xích, chó ra đường phải rọ mõm...Nếu trường hợp xấu xảy ra, thì phải xử trí nhanh làm sạch vết thương, rồi đưa đến trung tâm y tế gần nhất.
Cách sơ cứu, xử trí vết thương nhanh nhất khi bị chó cắn
Theo các bác sĩ khi không may bị chó cắn, nên bình tĩnh sơ cứu theo hướng dẫn dưới đây. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Làm sạch vết thương: Điều quan trọng hàng đầu là làm sạch vết thương do chó cắn. Vết thương phải được rửa dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh. Dùng bông và nước để rửa vết thương. Rửa nhẹ nhàng không nên chà xát mạnh.
Dùng thuốc sát trùng: Để làm sạch vết chó cắn, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn hoặc nước ô xi già. Những thuốc này sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. Chỉ đổ một lượng nhỏ lên vết cắn và thổi nhẹ vào vết thương khi bôi thuốc.
Nâng cao vùng bị thương: Nếu bị chó cắn vào chân hay cánh tay, cần giơ cao vùng bị thương của người bị nạn lên. Việc này rất quan trọng vì khi bị chó cắn bạn có thể bị chảy máu nhiều và cách làm này sẽ giúp cầm máu.
Băng bó vết thương: Sau khi rửa sạch vết thương xong nên dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng bó lại vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên nên lưu ý là không nên băng quá chặt sẽ khiến máu khó lưu thông. Khi bị chó cắn, hãy đến ngay cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm phòng dại.
Khi bị chó cắn, ngoài những miếng rách làm mất tính thẩm mỹ và các tổn thương ảnh hưởng đến sức khỏe, nạn nhân còn có thể mắc dại lây từ vật nuôi sang người người qua vết cắn. Đây là nguyên nhân khiến nạn nhân lên cơn dại, thậm chí tử vong nếu không được xử trí cấp cứu đúng cách và kịp thời.
Ngay sau khi không may bị chó cắn, nạn nhân cần đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại cũng như hướng dẫn cách xử trí với vật nuôi.