Cách ly y tế những người không ở vùng dịch là 'không đúng pháp luật'
Dưới góc độ pháp lý, đại diện Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: "Địa phương nào hiểu sai hai khái niệm "vùng có dịch" và "tỉnh có dịch" áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với những người không ở vùng có dịch là không đúng pháp luật".
Ảnh minh họa
Thông tin trên VNE, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho biết đã nhận được phản ánh của người dân về việc nhiều địa phương đang có những hình thức cách ly khác nhau với người về từ vùng dịch.
Theo đó, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam luôn chống dịch theo nguyên tắc cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Chính phủ đã giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể, để quyết định việc cách ly (phong tỏa) một địa điểm "theo diện hẹp", nơi có ca nhiễm Covid-19.
Vì vậy, ổ dịch (vùng dịch, điểm dịch) có thể là một cụm dân cư, khu chung cư, ngõ phố, khu phố, thôn, bản, xã hoặc rộng hơn là thành phố. Những nơi đã được chính quyền địa phương quyết định phong tỏa mới được coi là ổ dịch.
Hiện tại, 16 tỉnh đã ra quyết định cách ly tập trung, cách ly tại nhà với người dân về từ 10 địa phương có dịch, tuy nhiên quy định mỗi nơi một khác khiến người dân lúng túng.
Theo thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thủ tướng ủy quyền cho các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền quyết định phạm vi khoanh vùng, phong tỏa, cũng như các trường hợp thuộc diện phải cách ly, theo dõi y tế. Do đó, quyết định có cách ly người từ 10 tỉnh, thành đang ghi nhận dịch Covid-19 hay không theo thẩm quyền của lãnh đạo các địa phương. Ông đánh giá, quy định các địa phương chưa đồng nhất vì hiểu chưa đúng về ổ dịch, vùng dịch.
Đơn cử, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương); sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); 11 khu vực ở Hà Nội như ngõ 86 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu), thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh)... được coi là các ổ dịch bởi đang bị phong tỏa. Những nơi khác ngoài các địa điểm này mà không có ca bệnh, thì không được coi là ổ dịch.
Thứ trưởng giải thích thêm trên Vietnamnet, khu vực có ổ dịch tại một địa phương là nơi được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định khoanh vùng, phong toả. Tại khu vực này, tất cả đối tượng F1 phải cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà. Những trường hợp khác phải giám sát, sàng lọc. Các đối tượng này có được ra khỏi khu phong toả, khoanh vùng hay không do thẩm quyền địa phương đó quyết định. Còn lại tất cả những người dân không thuộc ổ dịch, không nằm trong khu phong toả, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.
Hà Nội cũng chưa được coi là địa phương có dịch. Các cơ quan chuyên môn đang rà soát kĩ để trình lãnh đạo quyết định xem khu vực nào có dịch, khu nào không. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, nhiều địa phương đang hiểu sai khái niệm F1, F2. Trong đó F1 phải có tiếp xúc gần với ca dương tính trong bán dưới 2m, tương tự F2 phải có tiếp xúc gần với F1 dưới 2m.
Ngoài ra, ông Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đang soạn thảo văn bản hướng dẫn các địa phương cách ly người từ vùng dịch, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước. Dự kiến sáng nay (5/2), văn bản sẽ được ban hành.
Riêng 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, trao đổi với phóng viên Dân trí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Hiện nay chưa đến cấp độ tỉnh, do đó, người nào từ khu vực bị phong tỏa, áp dụng chỉ thị giãn cách vì Covid-19 thì khi đi các địa phương khác mới phải lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tập trung".
Ông Sơn giải thích thêm, vùng dịch là vùng được công bố có dịch và đưa ra ví dụ: Tỉnh Hải Dương chưa được coi là vùng dịch, mà chỉ ở các khu vực có ca mắc Covid-19 đang bị phong tỏa, khoanh vùng cách ly như TP Chí Linh, một số khu vực khác đang áp dụng các biện pháp tương tự mới được coi là "vùng dịch".
"Toàn tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh chưa áp dụng giãn cách xã hội nên không thể coi cả tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh là vùng dịch được. Không giống như TP Đà Nẵng thời gian trước, vì TP Đà Nẵng áp dụng Chỉ thị 16 cho toàn thành phố, thì toàn TP Đà Nẵng mới được coi là vùng dịch", ông Sơn giải thích thêm.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho Dân Trí biết, cần phân biệt 2 khái niệm "vùng có dịch" và "tỉnh có dịch" (địa phương có dịch). Pháp luật chỉ quy định những người đến từ vùng có dịch, đi qua vùng dịch mới bị cách ly y tế bắt buộc. Còn những người đi qua tỉnh, địa phương có dịch nhưng không phải là vùng có dịch thì không thuộc trường hợp bắt buộc phải cách ly y tế. Vùng có dịch là vùng được xác định trong quyết định công bố dịch của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 38 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
"Địa phương nào hiểu sai hai khái niệm này và áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với những người không ở vùng có dịch là không đúng pháp luật", luật sư Cường nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Cường, hiện nay các địa phương có những thông báo và các mức độ chống dịch khác nhau tuy nhiên phải phù hợp với quy định của pháp luật. Việc yêu cầu những người dân từ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh hoặc một số địa phương khác đến địa phương mình phải cách ly y tế tập trung hoặc cách ly y tế tại nhà là thiếu cơ sở pháp lý, vi phạm quyền tự do đi lại của công dân, ảnh hưởng đến đời sống của công dân và không đạt được hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Việc đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phải trên cơ sở Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của Bộ y tế và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vì vậy, ban chỉ đạo phòng chống dịch và các cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát những quy định ở các địa phương để thống nhất áp dụng trên cơ sở pháp luật, đảm bảo phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả và hạn chế thấp nhất những thiệt hại, phiền hà có thể xảy ra đối với người dân.