Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương chuẩn bị đón học sinh trở lại trường

16-11-2021 07:27:55

Nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung cho kế hoạch đón học sinh trở lại trường. Công tác tiêm vắc xin, bù đắp kiến thức, tư vấn tâm lý cho học sinh cũng được khẩn trương thực hiện.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho HS tại Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng).

Phủ vắc xin cho học sinh

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Đồng bằng sông Cửu Long, để đảm bảo điều kiện trở lại trường, học sinh phải được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đến nay, nhiều địa phương đã hoàn thành tiêm vắc xin cho học sinh THPT và tiến hành tiêm cho học sinh THCS.

Từ ngày 15/11, ngành Y tế TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi trên địa bàn thành phố.

Theo bà Dương Thị Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng: Thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin Pfizer phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 cho trẻ từ 3 đến dưới 18 tuổi, trong 3 ngày (15 - 17/11), ngành Y tế thành phố bắt đầu triển khai tiêm vắc xin cho các đối tượng là trẻ từ 12 đến 15 tuổi (các trẻ sinh từ ngày 15/11/2009 trở về trước, trong đó có học sinh cấp THCS từ lớp 7 đến lớp 9 và trẻ em tại cộng đồng). Số lượng gần 8.500 em.

TP Sóc Trăng tổ chức 3 điểm tiêm cho các em học sinh từ lớp 7 đến lớp 9; còn những trẻ không đến trường sẽ được tiêm tại các điểm tiêm thuộc phường nơi cư trú. Phấn đấu đạt 95% số trẻ từ 12 đến 15 tuổi được tiêm trong năm 2021.

Đầu tháng 11, tỉnh Sóc Trăng cũng đã hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, đến nay tổng số học sinh từ 12 đến 18 tuổi được tiêm vắc xin mũi 1 là 78.668/84.519, đạt 93,08%.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 12 đến 17 tuổi sinh sống, học tập (kể cả đối tượng là học sinh 18 tuổi chưa được tiêm chủng) trên phạm vi 9 huyện, thành phố.

Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho gần 90.000 trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Kế hoạch của ngành Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 4/11, tất cả các huyện sẽ đồng loạt tiêm vắc xin cho trẻ có độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi. Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã phân công giáo viên hỗ trợ, bố trí các điểm tiêm được an toàn, thuận lợi và phụ huynh chở các em đến điểm tiêm cũng phải bảo đảm giãn cách an toàn.

Giáo viên huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường.

Bù đắp kiến thức, ổn định tâm lý cho trò

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường học trực tiếp.

Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, sau 1 tuần học sinh lớp 9 và 12 huyện Tân Phú Đông đến trường, tình hình dạy, học ổn định. Trong tuần đầu tiên đi học trực tiếp, học sinh sẽ được củng cố kiến thức căn bản sau thời gian hơn 2 tháng học trực tuyến.

Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết: Sau tuần đầu tiên học sinh trở lại trường, ngành Giáo dục sẽ họp đánh giá, rút kinh nghiệm. Nếu kết quả như kỳ vọng thì sẽ tiếp tục mở rộng cho học sinh các khối lớp khác của huyện Tân Phú Đông cũng như các huyện vùng xanh khác của tỉnh trở lại trường.

Bên cạnh việc tính toán mở cửa trường học, Tiền Giang đang đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh từ 12 đến 17 tuổi, với 143 nghìn học sinh của tỉnh cần được tiêm vắc xin Covid-19.

Trong tuần đầu tiên đến trường, học sinh khối lớp 9 và 12 sẽ được thầy cô ôn tập, củng cố các kiến thức đã học trực tuyến. Trong quá trình giảng dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên bộ môn sẽ bố trí thiết bị dạy học trực tuyến để giảng dạy cho những học sinh học trực tuyến ở nhà hoặc đang bị kẹt tại các vùng dịch để theo kịp chương trình học.

Theo Phòng GD&ĐT huyện Tân Phú Đông, trường hợp học sinh chưa đến trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc với gia đình để theo dõi việc học trực tuyến của học sinh.

Hiện các trường đang thực hiện song song dạy học trực tiếp kết nối dạy học trực tuyến với học sinh ở nhà. Thời gian đầu chủ yếu ổn định tình hình, củng cố kiến thức cho học sinh. Đặc biệt là đối với học sinh yếu kém hoặc chưa theo kịp chương trình học khi học trực tuyến.

Thời gian tới, học sinh sẽ thực hiện bài kiểm tra giữa học kỳ I, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện trong công tác ôn tập để tất cả học sinh đều thực hiện bài kiểm tra dù học ở hình thức nào. Nội dung kiểm tra giữa học kỳ I bao gồm các kiến thức căn bản, đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh.

Theo chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên, trở lại trường trong trạng thái bình thường mới, bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực cũng cần quan tâm công tác kiểm tra sức khỏe học sinh, tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng dịch bệnh…

Đặc biệt là những học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các em không chỉ cần sự hỗ trợ, san sẻ từ địa phương, nhà trường, thầy cô giáo mà còn có vai trò tư vấn từ y tế trường học…

Tư vấn tâm lý đóng vai trò rất quan trọng, cần tư vấn cho các em nhận thức đầy đủ về tình hình dịch bệnh, giải pháp phòng ngừa, không phân biệt, kỳ thị các trường hợp F0, F1, F2... Nhà trường, nhân viên y tế trường học cần quan tâm tư vấn, ổn định tâm lý, nhất là học sinh mồ côi do dịch bệnh. Vận động mạnh thường quân, giáo viên hỗ trợ, đỡ đầu các em; thường xuyên cử giáo viên, nhân viên y tế trường học đến nhà chăm sóc nếu các em còn nhỏ tuổi…

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ).

 

 

H.N
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //