Cả nước ghi nhận hơn 14.700 ca mắc sốt xuất huyết, 6 trường hợp tử vong
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 14.700 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong.
Theo báo Người lao động, ngày 27/4, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết. Bộ Y tế nhận định, thời gian gần đây, sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng ở một số địa phương và đã ghi nhận các trường hợp tử vong.
Cụ thể, báo cáo của các địa phương cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021 số mắc giảm nhẹ, tuy nhiên số tử vong tăng 1 trường hợp.
Theo VietNamnet, từ đầu năm đến ngày 17/3, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp sốt xuất huyết. Như vậy, trong hơn một tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng thêm gần 6.000 ca. Riêng tại khu vực phía Nam, theo báo cáo của Viện Pasteur TP HCM, bệnh đang diễn biến phức tạp.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, tính đến giữa tháng 4, TP HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.
Ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP cho thấy, trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết đang gia tăng; đặc biệt, các trường hợp nặng bị tổn thương đa cơ quan như gan thận và phải thở máy, lọc máu. Hiện nay, nhóm tuổi bị mắc nặng hay gặp là từ 8 -13 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tươi – Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết . Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy
Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022) và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Các địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai у chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gây đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng bọ gậy.
Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống Covid-19 và các hoạt động khác để người dân chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi loăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết.
Triệu chứng phổ biến của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà. Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Để phòng sốt xuất huyết, ngành Y tế khuyến cáo người dân nên dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh bọ gậy. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… Ngoài ra, người dân cũng nên đậy kín lu, hồ, bình chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh bọ gậy, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt bọ gậy. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt. |