Ca bệnh đặc biệt: Bệnh nhân vừa phẫu thuật não vừa hát quốc ca và "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"

29-01-2019 15:49:25

Trong lúc bác sĩ phẫu thuật, bệnh nhân vẫn nói chuyện với bác sĩ và hát Quốc ca và "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" với tâm trạng thoải mái. Đây cũng là ca mổ với kỹ thuật mổ "thức tỉnh" lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.


Phương pháp phẫu thuật thức tỉnh giúp ​bệnh nhân phẫu thuật não vẫn tỉnh táo, vừa trò chuyện với bác sĩ vừa hát quốc ca.

Các bác sĩ thuộc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh - BV Việt Đức vừa tiến hành ca phẫu thuật điều trị u phẫu thuật thần kinh đệm "có một không hai" tại Việt Nam. Bệnh nhân vừa được phẫu thuật vừa có thể trao đổi với bác sĩ thậm chí là hát quốc ca để quên đi thời gian. 

Đó là trường hợp một nam doanh nhân tên N.T.K. (36 tuổi, ở Hà Nội). Bệnh nhân được chẩn đoán mắc u tế bào thần kinh đệm. Từ đầu năm 2018, bệnh nhân K. thỉnh thoảng thấy đau đầu, sau đau tăng dần rồi nhanh chóng chuyển sang co giật, động kinh 2 lần liên tiếp. Gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám, bác sĩ xác định anh mắc u tế bào thần kinh đệm, chèn ép vào nhiều vùng chức năng của não.

Tháng 4/2018, bệnh nhân K. bước vào ca phẫu thuật lấy u bằng phương pháp kinh điển. Tuy nhiên, khối u của bệnh nhân kích cỡ lớn, nằm sát các vùng chức năng như vận động, ngôn ngữ... nên bác sĩ không thể khoét sâu lấy hết u, vì nếu lấy sạch, nguy cơ bệnh nhân bị liệt, rối loạn ngôn ngữ rất cao.

Ca phẫu thuật lần này được thực hiện bằng phương pháp thức tỉnh tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh -  Bệnh viện Việt Đức. Đây cũng phương pháp mới lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam với sự giúp đỡ của hai chuyên gia người Nhật Bản.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, phẫu thuật thức tỉnh là phương pháp mà bệnh nhân tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật. Phương pháp này thường được áp dụng ở các nước có nền y học phát triển.

Phương pháp thức tỉnh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ phẫu thuật, gây mê và hệ thống thiết bị hiện đại như: phương tiện để kích thích vỏ não, monitor theo dõi trong quá trình phẫu thuật... Các bác sĩ sử dụng các thiết bị này để kích thích vào vùng vận động, vỏ não giúp bệnh nhân nhận biết có bị tổn thương hay không. Trong khi đó, chuyên gia gây mê sẽ chuẩn bị tất cả mọi phương án nếu bệnh nhân đau, khó chịu, không phối hợp được trong khi mổ..., đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh.

Bệnh nhân đầu tiên được mổ bằng phương pháp này cũng yêu cầu phải biết tiếng Anh để trao đổi với các chuyên gia người nước ngoài trong cuộc mổ. Điều này giúp bác sĩ kịp thời phát hiện những điều không mong muốn để tránh làm tổn thương chức năng nói và vận động cho bệnh nhân mà vẫn cắt được khối u.

Theo PGS Hệ trong gần 7 tiếng ca mổ diễn ra, có 2 tiếng bệnh nhân vẫn tỉnh táo và nói chuyện, trao đổi với bác sĩ về mọi vấn đề trong cuộc sống. Thậm chí bệnh nhân còn hát quốc ca với tâm trạng hết sức thoải mái.

Nói về ưu điểm của phương pháp phẫu thuật thức tỉnh, PGS Hệ cho biết, phương pháp này giảm thiểu các di chứng của bệnh nhân trong phẫu thuật như liệt, rối loạn chức năng vận động, chức năng ngôn ngữ của bệnh nhân. Bệnh nhân sau mổ tỉnh táo hoàn toàn, sau phẫu thuật khoảng một tuần được ra viện, chi phí mổ cũng không cao hơn phương pháp kinh điển.


Xem thêm clip: Cảnh báo: con bị ung thư não nếu mẹ vừa chăm con vừa xem điện thoại: Cha Mẹ hãy dừng lại ngay!

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //