Bình Định ghi nhận hơn 300 ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay
Kể từ đầu tháng 1/2023 đến nay, tỉnh Bình Định đã ghi nhận hơn 300 ca mắc sốt xuất huyết. Đồng thời xuất hiện 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định).
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Định về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn được biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã ghi nhận 312 ca sốt xuất huyết, có tuần ghi nhận trên 70 ca mắc mới và hàng chục huyện đã ghi nhận có ca bệnh.
Cụ thể, chỉ tính từ tháng 1 đến đầu tháng 2/2023, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 312 ca sốt xuất huyết, có tuần ghi nhận trên 70 ca mắc sốt xuất huyết mới, hàng chục huyện đã ghi nhận có ca bệnh. Hiện tại đã xuất hiện 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định).
Các địa phương có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết ở Bình Định như: huyện Tuy Phước (36 ca); TP. Quy Nhơn (33 ca); An Nhơn (46 ca); Hoài Nhơn (34 ca); Tây Sơn (47 ca); Vĩnh Thạnh (39 ca)…
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, BS. Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết: "Số ca mắc sốt xuất huyết đầu năm nay rải rác ở nhiều địa bàn của Bình Định. Ngay trước và sau Tết Quý Mão, chúng tôi đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát dịch sốt xuất huyết, phát hiện ổ dịch nào là xử lý dứt điểm ngay trong vòng 48 tiếng đồng hồ.
Bên cạnh đó, đã thiết lập kế hoạch phun hóa chất chủ động ở vùng trọng điểm sốt xuất huyết, đồng thời tuyên truyền đến tận các hộ dân cách phòng dịch để người dân không chủ quan, hạn chế tăng ca mắc sốt xuất huyết mới.
Ngành y tế địa phương cũng đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bình Định cấp ngay hóa chất diệt muỗi cho các đơn vị tuyến dưới để chủ động phun diệt muỗi ngay từ cơ sở. Công tác điều trị cũng sẵn sàng, cơ sở y tế các tuyến phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, bệnh viện tuyến trên thì ưu tiên để điều trị bệnh nhân nặng".
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết, ngành y tế địa phương đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường ngay các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
Nhiều nhân viên y tế cũng đã được tập huấn các kiến thức điều trị, chẩn đoán sốt xuất huyết nhằm phát hiện sớm, điều trị, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế trường hợp chuyển biến nặng.
Sau Tết Quý Mão, tại các địa bàn có ca bệnh sốt xuất huyết ở Bình Định, người dân và nhân viên y tế đã tiến hành diệt lăng quăng, dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm gần nơi ở để tiêu hủy môi trường cư trú của muỗi. Tuy nhiên, một số người vẫn còn chủ quan cho rằng mới đầu năm nên dịch sốt xuất huyết chưa đáng lo ngại.