Bí mật về vương miện hoa hậu Việt Nam

10-02-2019 07:02:50

Nhiều năm gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam ở vai trò Trưởng ban Tổ chức, nhà thơ Dương Kỳ Anh đã bật mí bí mật hậu trường thú vị xoay quanh những chiếc vương miện hoa hậu.


Nhà báo, nhà thơ Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) với hoa hậu Thùy Dung

Hai lần làm rơi vương miện 

Có một bí mật mà chỉ tôi và hoa hậu Bùi Bích Phương biết, đó là lần trao vương miện đầu tiên của tôi, cũng là chiếc vương miện trao cho hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, tôi lóng ngóng làm chiếc vương miện bị rơi, may mà chưa rơi xuống đất. Vì hoa hậu Bùi Bích Phương đã nhanh trí đỡ lấy. Tôi cũng nhanh tay nâng chiếc vương miện đội lên đầu hoa hậu trong tiếng vỗ tay tưởng như không dứt của cả ngàn khán giả...

Thời đó (năm 1988), chưa có truyền hình quay, lúc trao vương miện tôi lại đứng quay lưng xuống hội trường Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), máy ảnh không chụp được cảnh rơi vương miện, nên không ai hay biết.

Sau này, khi lần thứ hai làm rơi vương miện, tôi mới nhận ra rằng lần đầu là do chiếc vương miện quá nhẹ. Cũng là lần đầu tiên trong đời tôi làm cái việc mà ở nước Việt Nam thống nhất chưa ai làm, nên tôi không biết phải trao thế nào, lóng ngóng và đã làm rơi.

 Lần thứ hai cách lần thứ nhất đến 20 năm, đó là năm 2008, tôi trao vương miện cho hoa hậu Việt Nam Thùy Dung. Thật lạ, tôi đã trao vương miện cho 10 hoa hậu, suốt 20 năm, thế mà tôi còn làm rơi.

Khi trao xong, vừa xuống chỗ ngồi, một người trong ban giám khảo ghé tai tôi bảo: Không may rồi, thế nào cũng có chuyện. Đúng vậy, chỉ sau mấy ngày, chuyện hoa hậu Thùy Dung chưa tốt nghiệp PTTH đã ầm ĩ trên báo, người ta đòi ban tổ chức phải tước vương miện, phải thế này thế khác...

Khi mọi chuyện đã êm xuôi, tôi mới nghĩ tới nguyên nhân vì sao tôi trao vương miện cho hoa hậu Thùy Dung lại bị rơi. Thì ra đó là chiếc vương miện luân lưu đầu tiên của hoa hậu Việt Nam, làm bằng vàng 18k, trị giá tiền tỷ, khá nặng. Khi đội lên đầu hoa hậu, tôi chưa kịp cài vào tóc của Thùy Dung nên vương miện đã bị rơi. Lần này rơi hẳn xuống nền sân khấu, tôi phải cúi xuống nâng lên, trao lại. Hình ảnh này hàng triệu người được thấy vì VTV chiếu đi chiếu lại. Đây cũng là lần cuối tôi trao vương miện cho hoa hậu Việt Nam. 

Chuyện ít biết về vương miện hoa hậu Việt Nam


Vương miện trao cho hoa hậu Ngô Phương Lan được Ban tổ chức đặt mua ở chợ Bến Thành ​

Vương miện trao cho hoa hậu Bùi Bích Phương năm 1988 mua ở phố Hàng Đào. Vương miện lần thứ hai trao cho hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa (năm 1990) cũng mua ở phố Hàng Đào (Hà Nội), cũng chưa phải làm bằng kim loại quý hiếm. Lần thứ ba, năm 1992, trao cho hoa hậu Hà Kiều Anh vương miện lần đầu được đặt mua ở nước ngoài (Thái Lan). Sau đó, đến các hoa hậu như Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thiên Nga thường đặt mua vương miện ở Hồng Kông... Đến năm 2008, lần đầu tiên vương miện hoa hậu Việt Nam làm bằng vàng 18k, giá trị tiền tỷ.

Chiếc vương miện trao cho hoa hậu Việt Nam năm 2014 là vương miện lập hai kỷ lục Guiness Việt Nam trị giá 2,5 tỷ đồng.

Người sáng chế ra chiếc vương miện có một không hai này chính là ông Hồ Thanh Tuấn, ông chủ Ngọc trai Hoàng Gia. Ông Tuấn tâm sự với tôi rằng đó là chiếc vương miện vô giá, là tâm huyết của vợ chồng ông. Chiếc vương miện với 1.000 viên kim cương, 1kg vàng và đặc biệt có 18 viên ngọc trai tự nhiên quý hiếm. Trong đó, hai yếu tố ngọc trai được sách kỷ lục Việt Nam trao hai kỷ lục là 18 viên ngọc trai tự nhiên và viên ngọc trai có hình trống đồng lớn nhất.

“Bao nhiêu tâm huyết vợ chồng tôi gửi vào chiếc vương miện, làm sao để chiếc vương miện hoa hậu Việt Nam không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có giá trị về văn hóa, nghệ thuật. Tôi kết hợp hình ảnh hoa sen và trống đồng Việt Nam để chế tác chiếc vương miện ý nghĩa này”, ông Tuấn tâm sự.

Còn chiếc vương miện trao cho hoa hậu Ngô Phương Lan - Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất lại là câu chuyện làm tôi khó quên nhất.

Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất tôi vừa làm Trưởng ban Tổ chức, vừa làm Trưởng ban Giám khảo. Cuộc thi có phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Tập đoàn Vingroup và Báo Thanh Niên cùng tổ chức.

Đạo diễn chương trình khi làm việc với tôi có đề xuất làm một chiếc vương miện mang yếu tố dân tộc, khác vương miện truyền thống. Tôi nói “thử làm đi” và có đề xuất cụ thể để ban tổ chức duyệt. Sau đó, tôi trao đổi trong thường trực ban tổ chức và đa số không đồng tình vì một số vấn đề, nhất là tên gọi chiếc vương miện đó. Người miền Nam gọi là cái mấn. Ở miền Trung cái mấn chính là tên gọi cái váy của phụ nữ, nên sợ sau này bị dư luận xuyên tạc, không hay...

Tôi nhờ một người trong ban tổ chức thông báo lại với đạo diễn, nhưng do không trao đổi cụ thể nên chiếc mấn đó vẫn được tiến hành làm. Đêm chung kết, người của ban tổ chức cứ chạy đi chạy lại hỏi tôi trao cái vương miện nào khiến đầu tôi như muốn nổ tung... Tôi đã phải xin lỗi đạo diễn và họa sỹ thiết kế về việc này.

Người của ban tổ chức sau này cho biết, chiếc vương miện trao cho hoa hậu Ngô Phương Lan là chiếc vương miện truyền thống, được chế tác tại Thái Lan, nhưng ban tổ chức đặt mua ở chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh).

Có mấy tờ báo biết chuyện, đã phỏng vấn hoa hậu Ngô Phương Lan có phải vương miện mua ở chợ Bến Thành không? Hoa hậu Ngô Phương Lan đã trả lời rất hay rằng: Chiếc vương miện dù mua ở đâu với tôi cũng là vô giá, vì giá trị không nằm ở số tiền nhiều hay ít khi mua chiếc vương miện, hay vương miện mua ở đâu... Bản thân chiếc vương miện chỉ trở nên vô giá khi được gắn lên đầu hoa hậu.

Chiếc vương miện hoa hậu trở nên vô giá khi hoa hậu được trao vương miện sống, làm việc, cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội những điều tốt đẹp, đúng như mong muốn của hàng triệu con người trên đất nước này...
Theo Dương Xuân Nam - Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 2018
Báo Giao thông (Tết Kỷ Hợi) //