Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đỡ đẻ thành công cho sản phụ nhí 13 tuổi, sinh con nặng 2,9kg
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa tiếp nhận và đỡ đẻ thành công cho một bé gái 13 tuổi, sinh thường một em bé nặng 2,9kg.
Ảnh minh họa.
Ngày 30/3, thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, các bác sĩ viện này vừa tiếp nhận đỡ đẻ cho một "sản phụ nhí" mới chỉ 13 tuổi, đẻ thường, em bé chào đời nặng 2,9kg.
Theo đó, bé gái này được chuyển cấp cứu từ tuyến dưới lên, tới viện khi các bác sĩ vừa đưa vào phòng sinh thì sản phụ đã đẻ ngay. Sau sinh, sức khỏe hai mẹ con bình thường, hiện đã ra viện.
Đáng chú ý, theo Báo Người lao động thông tin, sau khi thai phụ vừa sinh xong, gia đình có ý định bỏ lại hoặc giao em bé cho người khác nuôi. Tuy nhiên, nhờ sự động viên từ các bác sĩ, gia đình đồng ý đưa hai mẹ con về.
Trao đổi với PV Tạp chí Tri thức trực tuyến, GS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện nay, ngày càng nhiều trẻ dậy thì sớm nên việc quan hệ tình dục khi ở tuổi vị thành niên rất phổ biến. Quan hệ dẫn tới mang thai ngoài ý muốn là vấn đề rất đáng cảnh báo. Do vậy, vấn đề giáo dục trong nhà trường và gia đình cần được đẩy mạnh hơn.
Vị chuyên gia cảnh báo nữ giới dưới 18 tuổi sinh con khi cơ thể phát triển chưa đầy đủ sẽ đối diện với nhiều nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, việc học hành và cuộc sống của trẻ khi chưa được chuẩn bị và sẵn sàng cho việc làm mẹ. Ngoài ra, khi mang thai giai đoạn này, trẻ thường giấu bố mẹ, từ đó không được chăm sóc sản khoa tốt nhất, có thể dẫn đến không phát hiện bất thường, ảnh hưởng đến mẹ và bé sau này.
Vấn đề lớn nhất khi mang thai ở độ tuổi còn quá trẻ là nguy cơ sảy thai, phá thai hoặc nếu sinh con rất dễ bị dị tật. Điều này sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp đứa trẻ và thậm chí là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trẻ vị thành niên có nguy cơ đẻ non rất cao. Việc mang thai đủ tháng nhưng khung xương chậu của người mẹ chưa phát triển có thể gây khó khăn trong quá trình sinh nở. Bên cạnh đó, thai phụ có thể gặp tình trạng băng huyết, tai biến sản khoa, nhất là khi tự sinh con hoặc đẻ rơi.
Hơn thế nữa, sau khi trẻ sinh xong, việc chưa sẵn sàng làm mẹ, kỹ năng chăm con, nuôi con chưa có. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến em bé. Hơn thế nữa, trẻ vị thành niên sinh con cũng dễ bị ảnh hưởng đến tinh thần, nguy cơ trầm cảm sau sinh cao do bị người xung quanh bàn tán.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên tại các cơ sở y tế công lập. Thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Theo điều tra Mục tiêu phát triển bền vững quốc gia (SDGs) công bố năm 2022, hơn 40% ca phá thai ở Việt Nam được thực hiện ở cơ sở tư nhân.