Bệnh tay chân miệng tăng đột biến: Khi nào trẻ cần nhập viện?

04-10-2018 09:10:00

Theo các chuyên gia, đa số các bệnh nhân tay chân miệng tử vong trong năm nay không đến ngay bệnh viện khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà


Số trẻ mắc tay chân miệng đang gia tăng khiến các bệnh viện tại TP.HCM quá tải

Lâu nay nhiều người vẫn quan niệm rằng bệnh tay chân miệng là một bệnh khá hay gặp ở trẻ nhỏ, bệnh có thể tự khỏi chỉ sau 5 -7 ngày. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh thường tự mua thuốc để điều trị cho con tại nhà.

Tuy nhiên, tay chân miệng cũng là bệnh có biến chứng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời thậm chí có thể tử vong. Vậy trẻ bi bệnh tay chân miệng khi nào cần nhập viện?

Trả lời VietnamlPlus,Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Cuba cho hay: 

Với những trẻ điều trị tại nhà: Đa phần các em bé mắc bệnh chân tay miệng ở thể nhẹ: trẻ sốt có kiểm soát được nhiệt độ, trẻ tỉnh táo, vẫn ăn uống được  thì được điều trị tại nhà. Trẻ được điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt theo liều bác sỹ kê, vệ sinh răng miệng bằng các dung dịch sát khuẩn dịu nhẹ, bôi các nốt phỏng bằng các dung dịch sát khuẩn betadin, xanhmetylen, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ dễ tiêu, tăng cường vitaman bằng hoa quả tươi và tự khỏi sau 1 tuần mắc bệnh.

Tuy nhiên phụ huynh cũng cần lưu ý những dấu hiệu cảnh báo chuyển độ nặng, trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời như: Trẻ sốt cao liên tục, không kiểm soát được nhiệt độ, mệt mỏi li bì, giật mình cả khi thức lẫn khi trẻ ngủ, quấy khóc liên tục bất thường.


Bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm vì vậy người dân không nên chủ quan trước bệnh tay chân miệng (Ảnh minh họa)

PGS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng cảnh báo: So với cùng kỳ năm 2015-2017 chỉ ghi nhận 0-4 trường hợp tử vong thì năm nay đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong. 

Đa số các bệnh nhân tay chân miệng tử vong trong năm nay không đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa đến các bệnh viện. Kinh nghiệm từ vụ dịch năm 2011 cũng cho thấy 61% trường hợp tử vong là tự điều trị tại nhà. 

Do đó, người dân không nên chủ quan trước bệnh tay chân miệng. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tể để được tư vấn và xử lý kịp thời. 

Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt cao không hạ, ói nhiều hay tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh, trẻ có hiện tượng giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút thì cần đưa trẻ khám ngay.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 26/9 – 1/10, cả nước ghi nhận thêm gần 11.000 ca mắc tay chân miệng, nâng tổng số ca mắc trong cả nước là 53.500 trường hợp, trong đó đến gần 26.000 ca phải nhập viện điều trị.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 6 ca tay chân miệng tử vong ở 5 tỉnh thành bao gồm Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó Tây Ninh chiếm 2 ca.

Tại các tỉnh phía Nam, trong tháng 8 và 9, số ca bệnh tăng đột biến 50% so với các tháng trước đó. Tại TP HCM, mỗi tuần có hơn 300 ca nhập viện, các biệt có tuần lên đến gần 300.

Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và rất dễ lây lan, nhất là ở những nơi như nhà trẻ, lớp mẫu giáo…


Xem thêm lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày

Khánh Chi (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //