Bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ hai tại Việt Nam được xuất viện
Bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ hai tại Việt Nam xét nghiệm âm tính, đã xuất viện với tổng trạng tốt và tinh thần thoải mái sau hơn hai tuần điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ hai xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Sáng 1/11, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cho biết, ca mắc bệnh đậu mùa khỉ thứ 2 tại Việt Nam (nữ, 38 tuổi, ngụ Tuyên Quang) được xuất viện sau hơn 2 tuần điều trị.
Trước đó, từ ngày 29/9 đến ngày 18/10, bệnh nhân đi làm tại Dubai. Cô tiếp xúc gần với bạn trai có các biểu hiện nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ (như sốt, mệt mỏi, nổi bóng nước vùng sinh dục) trước khi khởi bệnh 10 ngày. Với sự hỗ trợ của bệnh nhân mùa khỉ đầu tiên, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã kịp thời đưa bệnh nhân thứ 2 vào cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngay sau khi nhập cảnh Việt Nam.
Mụn nước trên tay bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ 2. Ảnh Bệnh viện cung cấp.
Bệnh nhân không có tiếp xúc với bất kỳ ai khi về Việt Nam. Sau khi nhập viện, cô được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả PCR dương tính MP Ct=19,4 . Kết quả giải trình tự chuỗi gen định danh xác định là chủng Monkeypox virus thuộc clade Iib, chủng virus gây bệnh cho ca bệnh đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là chủng virus gây bệnh trên thế giới từ đầu năm 2022 đến nay.
Sau thời gian điều trị và cách ly tại bệnh viện, bệnh nhân hết sốt, tổng trạng tốt, tinh thần thoải mái, các sang thương đã lành hoàn toàn. Vết sẹo sang thương ngày 31/10 làm PCR Monkeypox âm tính. Bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện.
Để an toàn cho bản thân và cộng đồng, theo HCDC khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ như che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên; tránh tiếp xúc với người bệnh; tránh tiếp xúc với vết thương, giọt bắn nhiễm mầm bệnh; không quan hệ tình dục nếu mắc bệnh... Liên hệ cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần với ca nghi ngờ đậu mùa khỉ.
Các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban nhìn giống như mụn nước trên mặt, trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn.
Tính đến ngày 20/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận hơn 73.000 ca đậu mùa khỉ ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, 26 ca tử vong (tỷ lệ tử vong 0-1%). WHO đánh giá bệnh này khả năng lây nhiễm và tử vong ít hơn so với bệnh đậu mùa.