Bé gái 9 mắc chứng 'nghiện giật tóc' khiến đỉnh đầu trụi tóc
Trong lúc gội đầu cho con, chị H. thấy phần đỉnh đầu của con gần như trụi tóc. Sợ con mắc bệnh nấm đầu, chị mới đưa con đi khám thì phát hiện con mắc hội chứng 'nghiện giật tóc'.
Ngày 12/11, Dân trí dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi mắc hội chứng “nghiện giật tóc”, khiến phần đỉnh đầu của bé gần như trụi tóc.
Cụ thể, bệnh nhi là bé gái (9 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội). Chị Nguyễn Thị H. (Quốc Oai, Hà Nội) – mẹ của bệnh nhi cho hay, trước đó cô giáo gọi điện thông báo con có thói quen trong giờ học hay ngồi “vuốt tóc”.
Chị H. kể, ở lớp con học không tốt, hay nghịch nên cô giáo thường xuyên nhắc nhở. Đáng lưu ý, từ bé bố mẹ cũng chưa bao giờ phải cắt móng tay cho bệnh nhi do cứ nhú lên ít nào, con lại tự cắn đi chừng ấy…Lúc đó, chị nghĩ không có gì quá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây để ý chị mới thấy trên đỉnh đầu của con tóc thưa hơn những khu vực khác. Một lần vô tình gội đầu cho con, chị phát hiện phần đỉnh đầu của con gần như trụi tóc. Sợ con mắc bệnh nấm đầu, chị mới đưa con đến Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) khám.
Tại bệnh viện, sau khi nghe những lời kể của mẹ bệnh nhân kết hợp với khám lâm sàng, bác sĩ kết luận bệnh nhi bị mắc hội chứng “nghiện giật tóc” (nhổ tóc). Đồng thời, các bác sĩ cũng tư vấn mẹ bé nên đội mũ cho con tránh để trẻ nhổ tóc và lưu ý với mẹ bệnh nhi nên quan tâm tới con nhiều hơn.
Chị H. phát hiện phần đỉnh đầu của con gần như trụi tóc. Ảnh: Dân trí
Trao đổi với Vietnamnet, BS Đào Hữu Ghi, Khoa Điều trị Bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hội chứng nghiện giật tóc là một dạng của rối loạn kiểm soát xung động. Bệnh nhân thường xuyên bứt lông hay tóc khỏi các vùng như da đầu, lông mày và lông mi của họ. Mặc dù, người mắc chứng bệnh này biết hậu quả, nhưng họ vẫn không thể kiềm chế bản thân.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm liên tục giật tóc, giật lông mày, lông mi và các bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra, người mắc chứng này thường tóc ngắn lại, mỏng hơn, xuất hiện vùng hói trên da đầu hoặc các khu vực khác của cơ thể bao gồm cả lông mi thưa hoặc thiếu lông mày.
Người mắc hội chứng giật tóc thường hay bị stress hoặc các vấn đề về tinh thần trong công việc hay cuộc sống và có một số hành vi kỳ lạ như kiểm tra các chân tóc, xoay tóc, kẹp tóc giữa các kẽ răng, nhai tóc hoặc ăn tóc...
Hầu hết, người nghiện giật tóc cũng hay kéo da, cắn móng tay hoặc cắn môi. Đôi khi, họ có thể giật lông vật nuôi, búp bê hoặc từ các vật liệu xốp như quần áo hoặc chăn, đây cũng là dấu hiệu bệnh. Những người mắc bệnh này chỉ giật tóc khi ở một mình và thường không để cho người khác biết mình mắc bệnh.
Theo bác sĩ Ghi, mặc dù đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên các chuyên gia tâm lý cho rằng, giật tóc là một dạng nghiện. Hội chứng nghiện giật tóc cũng có thể là dấu hiệu phản ánh các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Theo đó, giật tóc là cách làm giảm căng thẳng hoặc lo âu. Trong một số trường hợp, bệnh này cũng có thể là dạng tự làm đau bản thân, người bệnh cố tình làm bản thân bị thương như là cách để thoát khỏi cảm xúc đau buồn và tạm thời làm bản thân vui.
Do đó, bác sĩ Ghi khuyến cáo các bậc phụ huynh có con mắc hội chứng này hoặc người lớn mắc bệnh thì nên đến gặp các bác sĩ. Bằng cách quan sát hành vi của mình và kiểm tra những khu vực mất tóc, bác sĩ sẽ kiểm tra nguyên nhân gây ra chứng rối loạn nghiện giật tóc và có phương pháp điều trị kịp thời.