Bé 4 tháng tử vong nghi bị mẹ đè khi ngủ: Lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ

22-11-2018 10:56:22

Qua câu chuyện không may xảy ra với bé N.A, gia đình bé mong các bố mẹ khi chăm con nhỏ lưu ý hơn để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.


Qua câu chuyện không may với bé N.A, gia đình bé mong các bố mẹ khi chăm con nhỏ lưu ý hơn để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc

Những ngày qua, thông tin bé Nguyễn N.A. (4 tháng tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) không may chết não rồi tử vong nghi do mẹ trong lúc ngủ thiếp đi vô tình đè tay lên con khiến nhiều người không khỏi xót xa. Tuy nhiên, cũng có nhiều luồng thông tin trái chiều liên quan đến sự việc này.

Trả lời báo Vietnamnet, bố mẹ bé N.A. là anh Nguyễn Phương N. (28 tuổi) và chị Dương Như H. (27 tuổi) cho biết, sự việc đau lòng xảy ra vào sáng 18/10. Hơn 6h sáng, chị tỉnh giấc đánh thức con gái lớn dậy đi học, sau đó ngủ thiếp trên giường. Sau hơn 30 phút, chị bừng tỉnh giấc khi con gái gọi giật giọng nói mẹ đè tay lên mặt em, mũi em xuất hiện bọt màu hồng nhạt. 

Hốt hoảng, chị H. lay con trai nhưng bé không phản ứng, lúc này chị thấy mặt và môi con đã tái đi. Sau khi làm hô hấp nhân tạo nhưng vẫn không hiệu quả, gia đình đưa bé đến BV Việt Nam-Cuba cấp cứu rồi chuyển sang BV Tim Hà Nội điều trị. Kết quả chụp chiếu ban đầu kết luận, bé chưa có tổn thuơng não nhưng cần theo dõi thêm.

Sau đó bé N.A được chuyển tiếp sang khoa Nhi, BV đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng hôn mê. Kết quả chụp MRI cho thấy bé bị tổn thương nhồi máu não đa ổ tại nhiều vị trí do di chứng não/ngừng tim cơn rung nhĩ nhanh. Đến ngày thứ 10, vợ chồng chị H. được bác sĩ gọi vào thông báo não không phục hồi dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức. 


Giấy chuyển viện từ BV Xanh Pôn sang BV Nhi TƯ 

Ngày 13/11, bé được chuyển tuyến sang BV Nhi TƯ. rồi sang khoa Nhi, BV đa khoa Đức Giang để điều trị với lý do BV Nhi TƯ “hết máy thở”. Tuy nhiên, các bác sĩ thông báo bé không thể cứu được do đã rơi vào tình trạng chết não. 

Sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc, anh N. chia sẻ vợ chồng anh đều rất buồn, đêm không ngủ được vì nhớ con. Tuy nhiên câu chuyện của bé N.A bị thêu dệt và chia sẻ quá nhiều với nhiều thông tin không chính xác, “đổi trắng thay đen” nên vợ chồng anh phải lên tiếng để đính chính.

Sau 5 ngày điều trị tại BV đa khoa Đức Giang, sáng 19/11, gia đình quyết định chụp kiểm tra não bé một lần nữa nhưng điều kỳ diệu đã không đến. Tối 19/11, vợ chồng anh N. đưa bé về quê nội ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội để tổ chức an táng.

“Có bố mẹ nào mà không thương con, xót con nhưng nhiều người không hiểu nói những lời lẽ xúc phạm, không đúng sự thật khiến vợ chồng tôi rất buồn”, anh N. chia sẻ.

Qua câu chuyện không may với bé N.A, anh N. cũng mong các bố mẹ khi chăm con nhỏ lưu ý hơn để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.


Bố mẹ bé N.A kể lại sự việc (Ảnh: Vietnamnet)

Trả lời báo Gia Đình Mới, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Thần kinh Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng I cho biết, trẻ dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn khi ngủ cùng người lớn. Khi trẻ không may bị đè vào người gây bít đường thở, não không được cấp oxy trong khoảng 3 - 4 phút trẻ hoàn toàn có thể bị tử vong hoặc não bị tổn thương.

Khi nào cha mẹ không nên ngủ cùng trẻ?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, với một số trường hợp đặc biệt, tuyệt nhiên người thân không nên ngủ cùng trẻ. Điển hình như, bố mẹ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc điều trị bệnh hoặc dùng ma túy…

Trong những trường hợp này, bố mẹ thường bị suy giảm nhận thức và ý thức nên không đủ tỉnh táo để chú ý tới con. Bố/mẹ đang vô cùng mệt mỏi hay bị rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ khiến ngủ say và không kiểm soát được hành vi của mình, có thể vô tình đặt chân hoặc tay lên con.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho bé trong khi ngủ?

- Đặt trẻ nằm ở cũi, nôi riêng ở bên cạnh giường bố mẹ. Bố mẹ nên mua những chiếc nôi mở một bên có thể gắn vào giường mình để có thể gần trẻ và loại trừ khả năng đè lên trẻ khi ngủ.

- Đảm bảo giường, cũi của trẻ không có quá nhiều loại thú nhồi bông, đồ chơi, chăn đệm lộn xộn vì chúng có thể khiến trẻ dễ bị ngạt do không thể xoay đầu khi có vật đè trên mặt. Đầu và chân giường, cũi của trẻ không có kẽ hở có thể làm kẹt đầu trẻ.

- Luôn cho trẻ nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ. Đặt trẻ ngủ trong tình trạng tay và chân được thoải mái, và tạo một khoảng rộng để trẻ có thể chuyển động xung quanh.

- Thường xuyên kiểm tra giấc ngủ của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, tránh để trẻ có tâm lý hoảng sợ, la khóc.


Xem thêm: Tỏ tình bị từ chối, chàng trai dùng dao rọc giấy cắt 'của quý'

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //