Bà mẹ đánh con trong siêu thị vì làm mất gói kẹo: "Nó quý con lắm, chỉ dọa, quát, đánh con giả vờ thôi"
Theo người thân nhận xét, bà mẹ đánh con trong siêu thị bình thường rất quý con, chỉ dọa, quát, đánh con giả vờ. Khi nào lên cơn căng thẳng lên thì mới như vậy.
Vác dao sang nhà hàng xóm hỏi chuyện vì... khuyên không đánh con
Xoay quanh câu chuyện người mẹ mắng chửi, đánh con trong siêu thị Lotte chỉ vì làm mất gói kẹo, PV Đời Sống Plus đã có mặt tại tổ 17 phường Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội) nơi gia đình chị H.T.H, thuê trọ.
Hầu hết mọi người xung quanh đều cho rằng, chị H., khỏe mạnh, vẫn đi chợ, nấu cơm cho chồng cho con nhưng thi thoảng có biểu hiện không được bình thường.
Bà mẹ đánh con trong siêu thị, lúc ở nhà cũng đánh con
Chị N. hàng xóm gần đó cho biết: “Bình thường chị ấy rất tình cảm với con nhưng khi lên cơn giận thì đứa bé bị đánh suốt. Nhiều hôm tôi thấy chị ta lôi đứa bé ném từ trong nhà ra cửa, có lúc bé đang cởi trần, cởi truồng chị ấy cũng đẩy ra, may mà không có xe nào đi qua. Thậm chí, 11h đêm chị ấy thả con một mình ở ngoài để đứa bé khóc".
Hàng xóm cho biết bé thường xuyên bị mẹ đánh, nhốt ở ngoài
Còn bà, N.T.M.S cũng cho hay: “Ở xóm chị này không chơi với bất kỳ ai, lại hay chửi chồng, đánh con. Ngày nào con bé cũng bị đánh nhìn tội lắm! Dân ở đây ai cũng bức xúc về hành động đánh con, chửi bậy và làm mất trật tự khu phố”.
Cũng theo bà S., giờ giấc sinh hoạt của chị H., khác mọi người, ngày mọi người thức thì chị ấy ngủ, tối mọi người ngủ chị ấy lại thức.
“Nhiều hôm 2h đêm hai vợ chồng nói nhau, chị H., còn vác dao ra dọa chồng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người”, bà S. chia sẻ.
Nơi thuê trọ của chị H., tại ngõ 92 Đào Tấn. Ảnh C.N
Trao đổi với Đời Sống Plus, bà Dương Thị Phượng (Tổ trưởng tổ dân phố 17, phường Cống Vị) cho biết, gia đình này chuyển về đây gần 1 năm, việc chị H., đánh con là thường xuyên.
“Chị H., hay mạt xát đứa bé, đứa bé nó có biết gì đâu, nhiều lúc đánh mắng tôi hay ra bênh, lắm hôm đang đi đường nó quăng đứa bé ra cửa may mà tôi đỡ kịp”, bà Phượng cho biết.
Cũng theo bà Phượng, chị H. thường làm mất trật tự khu phố, hay đánh con, hàng xóm nói thì chị ấy gây sự, cãi nhau. Thấy chị ấy đánh con nhiều lần, người lớn tuổi khuyên can chị ấy vác cả dao sang tận nhà chém, công an phải xuống giảng hòa.
Cũng chính vì vậy, vừa rồi tổ dân phố cũng bất bình, mọi người phản ánh, kiến nghị làm đơn gửi lên UBND phường về trường hợp này.
Thỉnh thoảng có tâm lý hoảng loạn?
Trước sự việc trên, PV Đời Sống Plus đã liên hệ với gia đình chị H. Bà N.T.T. (mẹ đẻ chị H.) cho biết: Thông tin lan truyền trên mạng chỉ đúng một phần. Chị H. trước kia rất ngoan hiền, học giỏi, khi học ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được xếp vào loại xuất sắc. Sau đó sang Nga du học, rồi lại quay trở lại Việt Nam làm việc.
Cũng kể từ đó, tâm lý chị H. không được bình thường, nhiều khi tâm thần hoảng loạn.
Ở trong căn nhà 2 tầng, chị H., không nói chuyện với hàng xóm. Ảnh C.N
“Con tôi bị như vậy cũng có thể là do bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Bình thường nó quý con lắm, chỉ dọa, quát, đánh con giả vờ thôi. Chỉ khi nào cơn căng thẳng lên thì nó mới như vậy”, bà T., cho biết.
Cũng theo bà T., cháu ngoại bà cũng hay quấy khóc, ăn vạ. Nhiều khi chỉ khẽ động vào người, là đã lăn 5 -6 vòng. H. nuôi con vất vả, lại mỗi mình ở trên Hà Nội, chồng thì đi làm từ sáng đến đêm mới về nên nhiều lúc suy nghĩ lại sinh bệnh.
Gia đình bà cũng đầu tư để chữa trị mong con khỏi bệnh nhưng chị H. không chịu. Đưa đến bệnh viện lại đi về, mua thuốc cho không uống.
“Đẻ con ra, nuôi con ăn học mà giờ con bị như vậy, người làm cha, làm mẹ cũng đau lòng lắm chứ! Tôi bảo con về nhà nhưng nó không nghe, bảo đưa cháu mẹ nuôi cho cũng không chịu. Nó chỉ muốn ở với chồng, với con thôi, yêu chồng lắm!”, bà T. chia sẻ.
Mẹ chị H., cho biết chị rất thương con nhưng mỗi khi tâm thần hoảng loạn là chị lại dọa nạt con. Ảnh C.N
Bà T. giọng buồn rầu kể về cuộc sống của con gái: H. Không thích ăn uống tập thể, không thích chơi với ai, chỉ thích sống một mình một thế giới. Với tính khí như vậy, không hòa đồng được với xã hội, H. không ở trọ đâu được lâu, mỗi chỗ ở được 1 - 2 năm lại chuyển. Bà T. mong muốn con rể chuyển về Hải Dương làm việc để H. về ở với ông bà, có người đỡ đần việc chăm sóc cháu bé hay quậy phá.