Ba lần sinh nở, khát khao nghe các con "gọi bố mẹ" nhưng đáp lại chỉ là những tiếng hú rợn người
Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, hình ảnh đôi vợ chồng đang tất bật bón cơm, dỗ dành cho những đứa trẻ chỉ biết la hét quay cuồng khiến chúng tôi nghẹn lòng xa xót.
Nỗi đau nhân đôi
Nhiều năm nay, người dân ở thôn Mỹ Tiến, xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa không còn xa lạ gì với hình ảnh tần tảo, chịu thương chịu khó của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tao (51 tuổi) và chị Nhữ Thị Tuyền (44 tuổi) cùng với 3 đứa con thơ bị dị tật. Dù đã có ba mặt con nhưng anh chị chưa một lần được nghe tiếng con gọi tên mình mà thay vào đó là tiếng “u ơ”, tiếng hét, tiếng khóc.
Ngôi nhà đơn sơ, tuềnh toàng không có vật dụng gì quý giá.
Bước vào ngôi nhà cấp bốn, hai gian cũ kỹ, đơn sơ tuềnh toàng, hình ảnh người phụ nữ vừa ôm đứa con nhỏ 2 tuổi, vừa loay hoay dỗ dành hai bé trai, một đứa 17 tuổi và một đứa 14 tuổi, trong căn nhà ấy thi thoảng lại nghe tiếng hú rợn người của đứa trẻ, khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Đồ đạc trong nhà hết sức đơn giản, 2 chiếc giường, một bộ bàn ghế nhựa, một chiếc ti vi đời cũ. Có lẽ giá trị nhất trong gia đình là chiếc xe máy của một người em cho để anh Tao có cái đi làm. Thế nhưng, theo thời gian chiếc xe máy bây giờ cũng đã tàn, hư hỏng thường xuyên nên cũng không có tiền mang ra tiệm sửa.
Nói đôi ba câu chuyện, chị Tuyền ôm con vào lòng khóc nấc thành tiếng: “Cũng khổ tâm lắm, không biết kiếp trước làm gì nên tội, mà kiếp nay trời đày vợ chồng tôi đến thế này? Vợ chồng tôi sinh được 3 cậu con trai, khi sinh ra đứa nào cũng kháu khỉnh khỏe mạnh nhưng càng lớn các em nó càng bệnh tật. Sinh con cũng chỉ mong con cái khỏe mạnh, đi làm về cũng muốn con cái chạy ra gọi tiếng bố tiếng mẹ nhưng có gọi được đâu, làm bố làm mẹ 17 năm mà chưa một lần được nghe các con gọi bố mẹ ơi!”
Sau 3 năm kết hôn, vào năm 2000 anh chị sinh được bé trai đầu lòng trong niềm háo hức của cả gia đình và đặt tên con là Nguyễn Văn Chiến. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, 6 tháng sau khi sinh Chiến bắt đầu có biểu hiện bất thường “gọi con không thấy con phản ứng gì, cũng không lật được, tay chân cứ co quắp lại.Do gia đình khó khăn, bữa ăn còn không đủ nên không thể đưa con đi chữa trị”, chị Tuyền nghẹn ngào kể lại.
Năm nay 17 tuổi nhưng Chiến chỉ biết la hét, cười ngây dại
Không dừng lại ở đấy, ba năm sau, vào năm 2003, chị Tuyền sinh con trai thứ hai đặt tên là Nguyễn Quốc Thắng. Một lần nữa may mắn lại vẫn không mỉm cười với anh chị. Năm con trai lên 3 tuổi gia đình nghẹn đắng ở cổ họng khi thấy con không đi được, cũng không nói được. Cuộc sống khó khăn, nuôi hai người con bị dị tật khiến kinh tế ngày càng khó khăn hơn.
Anh Tao ngày ngày bón cơm cho các con.
Sau 11 năm làm lụng đồng áng, kiếm củ khoai, hạt lúa nuôi hai con dị tật, đến năm 2015 vợ chồng anh Tào quyết sinh thêm con với hy vọng sẽ sinh được đứa con khỏe mạnh. Thế nhưng, niềm hy vọng cuối cùng bị dập tắt khi cậu con trai thứ ba là Nguyễn Nhữ Cần cũng có những biểu hiện giống với 2 người anh.
Đến bây giờ, đã gần 2 tuổi nhưng con vẫn không biết ngồi và cũng không nói được. Chị Tuyền bảo, do gia đình khó khăn nên anh chị cũng không có tiền đưa con đi chữa trị.
Chị Tuyền cùng cậu con trai thứ 3 Nguyễn Nhữ Cần
Giờ đây, hai vợ chồng chị chỉ với vài sào ruộng, cùng với 3 người con tật nguyền, anh chị cũng không biết bấu víu vào đâu khi họ hàng hai bên cũng khó khăn.
Gia đình đã nghèo khó, trong người lại mắc bệnh viêm gan B, trong nhà lại có 3 đứa con tật nguyền nên chị Tuyền phải nghỉ làm để ở nhà để chăm sóc con vì không có nhà trẻ nào nhận. Mọi gánh nặng gia đình đè lên vai người người làm cha. Ngoài công việc đồng áng, đi thợ xây, ai thuê làm gì anh đều tranh thủ để có tiền mua thuốc cho các con nuôi sống cả gia đình.
Cũng vì lao lực, nên thời gian gần đây anh Tào - trụ cột gia đình lại mắc bệnh thoái hóa cột sống. Anh gặp nhiều khó khăn khi làm việc nặng, đến bế con cũng là việc quá sức đối với người bố khốn khổ này.
Anh Tao ngậm ngùi chia sẻ: “Nói về tương lai buồn lắm, buồn nhất là tuổi càng ngày càng cao, sức khỏe mỗi ngày mỗi xuống, không biết có còn sống mà lo cho các con. Ba đứa con cũng lớn nhưng chẳng khôn. Bố mẹ ngày một ốm yếu. Thời gian này ăn còn không đủ, chẳng biết những ngày tiếp theo sẽ ra sao”.
Chị Tuyền lấy tay lau nước mắt, kể: “17 năm qua các con của tôi chưa có đêm nào được ngủ yên giấc. Đêm ngủ nhiều khi con hét lên, có khi khóc cả đêm không dỗ được. Nhìn các con gầy mòn quằn quại trên giường mà đau xé lòng. Những lúc ấy, vợ chồng chỉ biết nhìn nhau khóc”.
Vợ chồng anh Tao phải làm khung sắt quanh giường để "nhốt" những đứa con bệnh tật
Bà Huyền hàng xóm chia sẻ: “Khổ, hai vợ chồng rõ hiền lành, chịu thương chịu khó mà cả 3 đứa con đứa nào cũng dị tật. Vợ chồng làm lụng quanh năm mà cũng không đủ tiền thuốc cho bọn trẻ”.
Chỉ mong các con được chữa trị
Khi kể về Thắng, con trai thứ hai anh Tao ngậm ngùi: “Nó thích đi học lắm, cứ xem trên tivi, có chương trình dạy kỹ năng cho trẻ khuyết tật là chỉ ra cổng đòi bố mẹ dẫn đi.
Thấy con muốn đi học, vợ chồng tôi đưa con đến lớp mẫu giáo được mấy buổi cô giáo phải trả về vì đang trong giờ học tự nhiên con đứng lên đập bàn, đập ghế, la hét cười sặc làm ảnh hưởng đến các bạn trong lớp. 14 tuổi rồi đó mà đi có vững đâu mà”. Khi được hỏi đến ước mơ của Thắng, em có vẻ hiểu được lời chúng tôi nhưng em chỉ biết nhìn và cười ngây dại.
Năm nay Thắng đã 14 tuổi nhưng đi vẫn không vững, mỗi bước đi của em chậm rãi, kéo lê bàn chân tưởng chừng chỉ một lực nhẹ đụng vào là em có thể ngã khụy xuống đất.
Mặc dù không biết nói, tâm lý không ổn định nhưng Thắng đã biết tự cầm bàn chải đánh răng, biết tự lau mặt, tự xúc cơm ăn. Tay không nắm chắc được bàn chải, không tứ vắt khô được khăn mặt để lau nhưng với Thắng đó là sự nỗ lực từng ngày để có thể làm được những việc nhỏ nhất, bố mẹ Thắng cũng bớt đi phần nào vất vả.
Vất vả lớn nhất với vợ chồng anh Tao là cậu con trai đầu. 17 năm qua không tự ăn, không tự làm được những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt. Thậm chí ruồi muỗi đậu xung quanh Chiến cũng không thể xua đuổi. Anh chị cũng không quên việc luyện tập cho Thắng mỗi ngày với hy vọng em có thể tự làm được những công việc nhỏ nhất. Thế nhưng, nỗ lực của anh chị cũng chỉ là công giã tràng.
Dù cháu Cần cũng không được bình thường nhưng vợ chồng chị Tuyền vẫn hy vọng rất nhiều
Dù cũng có nhiều biểu hiện bất thường nhưng so với 2 người anh nhưng cháu Cần hiện là niềm hy vọng lớn nhất của vợ chồng anh Tao. Vợ chồng anh Tao hy vọng có tiền sẽ đưa Cần đi phục hồi chức năng. "Mong là nó (Cần) sẽ thành người để sau này còn thay bố mẹ chăm sóc cho 2 anh", chị Tuyền nghẹn ngào nước mắt tâm sự.