68 người chết, 34 người vẫn còn mất tích sau trận mưa lũ vừa qua

15-10-2017 19:53:19

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 15/10 đã có 68 người chết, 34 người còn mất tích và 32 người bị thương do trận mưa lũ vừa qua

Theo báo cáo từ các tỉnh, thành, tính đến sáng 15/10 đã có 68 người chết, 34 người còn mất tích và 32 người bị thương do đợt mưa lũ vừa qua. Riêng tỉnh Yên Bái có 28 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng.

Đợt mưa lũ này cũng khiến 221 nhà bị đổ sập, 46.177 nhà bị ngập (Sơn La 43 nhà, Yên Bái 997 nhà, Phú Thọ 424 nhà, Hà Nội 295 nhà, Hà Nam 6.383 nhà, Ninh Bình 7.800 nhà, Thanh Hóa 28.146 nhà, Hà Tĩnh 2.089 nhà). Ngoài ra, trong đợt mưa lũ cũng đã phải di dời khẩn cấp 2.298 nhà.


102 người người chết và mất tích do trận mưa lũ vừa qua. Ảnh: ANTĐ

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tính đến chiều ngày 14/10 diện tích ngập úng còn 126.515ha. Dự kiến, tình hình ngập úng nặng sẽ còn tiếp diễn trong 5-7 ngày tới ở các tỉnh Hà Nam và Nam Định, 3-5 ngày ở các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình…

Đáng chú ý, Thanh Hóa còn 35 xã/7 huyện vẫn đang bị ngập, trong đó 3 xã bị cô lập: Trung Chính (Nông Cống), Yên Giang (Yên Định), Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc); Ninh Bình còn 6 xã tại Nho Quan và Gia Viễn bị ngập, hiện nước đang rút chậm. Hiện nay, các tỉnh đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.

Theo báo cáo sáng nay (15/10) của Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT), trong đợt mưa lũ vừa qua đã xảy ra 143 sự cố đê điều, với tổng chiều dài các tuyến đê là 27.601m. Trong đó, các sự cố đê từ cấp III trở lên là 50 sự cố, và đê dưới cấp III là 93 sự cố.


Hiện nay, các tỉnh đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại trận mưa lũ và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp. Ảnh: Zing

Cụ thể, trên 15 tuyến đê từ cấp III đến cấp I thuộc 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã xảy ra 50 sự cố đê điều/9.568m, bao gồm: Sạt lở mái đê (19 sự cố/1.620m); thẩm lậu, rò rỉ nước qua thân đê (09 sự cố/2.425m); đùn sủi phía chân đê hạ lưu (4 sự cố); nước tràn qua mặt đê (7 sự cố/4.480m); nứt mặt đê (1 sự cố/150m); sự cố cống qua đê (4 sự cố); sạt lở kè, bờ sông (5 sự cố/893m).

Trong đó, trên một số tuyến đê của tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra những sự cố rất nguy hiểm như: sự cố nứt mặt đê, sạt lở mái đê phía sông đê tả Chu (K17+100-K17+332); nứt, sạt mái đê phía sông đê hữu Mã (K32+000-K32+225); nước tràn qua đỉnh đê tả, hữu sông Lạch Trường (tổng chiều dài 3.276m); sự cố bãi sủi ở hạ lưu đê tả Chu (K30+050); lỗ phụt nước đục hạ lưu đê hữu Lèn (K5+950).

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //