6 loại thuốc được thế giới kỳ vọng có thể tiêu diệt Covid-19
Covid-19 vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới nhưng hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Dưới đây là 6 phương pháp điều trị mà giới y học đang hy vọng có thể kiểm soát được đại dịch nguy hiểm này.
6 loại thuốc được thế giới kỳ vọng có thể tiêu diệt Covid-19 - Ảnh minh hoạ.
Thuốc chống sốt rét: Chloroquine
Chloroquine là một loại thuốc với giá thành rẻ, có sẵn và phổ biến, được sử dụng từ năm 1945. Thuốc này chống lại bệnh sốt rét và còn được dùng trong một số loại bệnh khác, được nghiên cứu cho thấy an toàn ở cả phụ nữ mang thai và trẻ em.
Theo báo Thanh Niên, ngày 17/2, bà Sun Yanrong - Phó giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ sinh học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết Chloroquine đang được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại 10 bệnh viện ở Bắc Kinh, ở các tỉnh Quảng Đông, Hồ Nam của Trung Quốc. Kết quả cho thấy các ca điều trị bằng Chloroquine đều hiệu quả.
Ngoài ra, kết quả từ một nghiên cứu nhỏ của Pháp ở 24 bệnh nhân cho thấy những người này có thể phục hồi nhanh chóng sau khi sử dụng Chloroquine. Các bác sĩ cho biết chỉ 25% bệnh nhân sử dụng Chloroquine có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau 6 ngày sử dụng.
Ngày 18/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dùng thuốc Chloroquine là một trong bốn phương pháp điều trị được thử nghiệm lâm sàng. Vương quốc Anh đã đưa Chloroquine vào danh sách các loại thuốc được kiểm soát xuất khẩu. Vương quốc Anh đã đưa Chloroquine vào danh sách các loại thuốc được kiểm soát xuất khẩu.
Thuốc điều trị HIV: Kaletra
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng hết sức để tìm ra liệu pháp điều trị Covid-19 hiệu quả nhất - Ảnh: AP.
Kaletra là sự kết hợp của hai loại thuốc chống virus: lopinavir và ritonavir, thường được sử dụng để điều trị HIV. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Kaletra là phương pháp điều trị Covid-19 tiềm năng.
Tuy nhiên, gần đây một trong những nghiên cứu lớn đầu tiên trên 200 bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng từ Trung Quốc cho thấy điều trị bằng Kaletra không hiệu quả.
Cụ thể, một nửa số bệnh nhân trên được chăm sóc tiêu chuẩn, số còn lại dùng thêm Kaletra. Song thuốc không giúp đẩy lùi bệnh tật hay ngăn ngừa khả năng tử vong.
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn có niềm tin ở Kaletra và cho rằng thuốc có thể có hiệu quả nếu được sử dụng sớm hơn hoặc cho các bệnh nhân nhẹ. WHO đã đưa Kaletra vào thử nghiệm lâm sàng ở nhiều quốc gia từ tuần này.
Thuốc chống cúm: Favipiravir
Favipiravir là thuốc trị cảm cúm của Nhật Bản, được sản xuất bởi một công ty con của hãng Fujifilm. Loại thuốc này đã giúp giảm hơn 1 nửa thời gian nhiễm bệnh của những người dương tính với virus, tạo ra những chuyển biến lớn trong điều trị dịch Covid-19.
Theo Tuổi trẻ, Trung Quốc đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng với favipiravir trên 200 người bệnh tại thành phố Vũ Hán và thành phố Thâm Quyến.Sau khi dùng thuốc này trung bình 4 ngày, bệnh nhân Covid-19 có kết quả âm tính với virus corona chủng mới.
Một thử nghiệm lâm sàng khác tại Vũ Hán cho thấy những bệnh nhân được điều trị bằng favipiravir đã hết sốt trong thời gian điều trị trung bình là 2,5 ngày, trong khi thời gian hết sốt trung bình của bệnh nhân khác là 4,2 ngày.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết các bệnh nhân không bị nhiều tác động tiêu cực sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên, một quan chức y tế Nhật Bản cho biết favipiravir dường như ít tác dụng ở những bệnh nhân nhiễm Covid-19 thể nặng.
Thuốc điều trị Ebola: Remdesivir
WHO đang đưa một số loại thuốc vào điều trị Covid-19 - Ảnh: The Guardian.
Thuốc Remdesivir ban đầu được phát triển để điều trị Ebola, nhưng loại thuốc này được cho là nằm trong các hạng mục thuốc kháng virus tiên phong chống lại Covid-19. Loại thuốc này cũng đã phát huy hiệu quả trong chống dịch Sars và Mers.
Remdesivir hoạt động theo cơ chế ngăn cản khả năng sao chép của virus trong các tế bào. Remdesivir sẽ rất hiệu quả khi bệnh nhân vừa mới nhiễm virus và virus vẫn đang nhân lên ở đường hô hấp trên. Nhiều thử nghiệm đang được tiến hành để đánh giá sự hiệu quả của remdesivir ở Trung Quốc, Mỹ và châu Á.
Liệu pháp kháng thể
Theo Tuổi trẻ, trong cuộc họp báo ngày 13/2, Bác sĩ Trương Định Vũ, lãnh đạo bệnh viện Kim Ngân Đàm (Vũ Hán) cho biết trong huyết tương của người đã khỏi bệnh COVID-19 chứa một số lượng lớn các kháng thể có thể chống lại virus. Đây là một cách tiếp cận bắt nguồn từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Tuy nhiên, việc điều trị Covid-19 có hiệu quả nhưng không phải là tối ưu bởi phương pháp này là khó nhân rộng phạm vi áp dụng, tiềm ẩn nguy cơ lây truyền các bệnh khác và các kháng thể có liên quan chỉ xuất hiện với số lượng nhỏ.
Một số nhóm các nhà nghiên cứu thuốc công ty Regeneroncủa Mỹ đang nghiên cứu một công nghệ cao khác tương đương với liệu pháp huyết thanh. Đại diện công ty này cho biết phải mất vài tuần nữa để xác định hai kháng thể mạnh chống lại Covid-19. Sau đó họ sẽ sản xuất tổng hợp và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào mùa hè.
Hợp chất tăng miễn dịch interferon beta
Công ty công nghệ sinh học Synairgen của Anh đã được phê duyệt nhanh chóng để thử nghiệm một loại thuốc trị bệnh phổi ở những người mắc bệnh Covid-19.
Hợp chất tăng miễn dịch interferon beta ban đầu được phát triển cho những bệnh nhân bị rối loạn phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi đi vào cơ thể người, đặc biệt là người có hệ miễn dịch yếu, nó tạo thành một phần của hệ thống phòng thủ tự nhiên chống lại virus.
Interferon beta được WHO xác định là liệu pháp duy nhất trong các thử nghiệm giai đoạn 2 có thể hít vào, có nghĩa là bệnh nhân có thể tự điều trị thông qua một máy phun sương nhỏ chạy bằng pin.