1% công việc Trung Quốc làm chưa xong khiến đường sắt Cát Linh trễ hẹn 4 năm

26-09-2019 10:31:35

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khởi công vào tháng 10/2011, dự kiến chạy thử và khai thác từ 30/6/2015. Đến nay sau hơn 8 năm thi công, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng, chỉ có 1% là làm mãi không xong.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (dự án) khởi công vào tháng 10/2011, dự kiến chạy thử và khai thác từ 30/6/2015. Đến nay sau hơn 8 năm thi công, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây dựng nhưng vẫn chưa thể vận hành và đã 5 lần lỡ hẹn khai thác. 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 1% khối lượng công việc còn phải thực hiện nốt tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chủ yếu là hoàn thiện mỹ quan và lắp đặt nốt thiết bị ở 1 số đơn thể khu Depot.

Lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, các hạng mục công trình xây dựng của Dự án đã hoàn thành, đang được chỉnh trang hoàn thiện mỹ quan; hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công; thủ tục nghiệm thu. Tổng thầu Trung Quốc chưa đưa về dự án những xe cẩu, xe tải, xe công vụ kèm dụng cụ chuyên dụng.

“Phía Tổng thầu Trung Quốc chưa lắp đặt hoàn chỉnh một số thiết bị còn thiếu hoặc phải thay thế các thiết bị có sai sót, hư hỏng do vận chuyển trước đây phải khắc phục như một số máy chủ hệ thống phụ trợ của hạng mục thông tin, bán vé tự động, máy móc dụng cụ cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đoàn tàu.” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.


Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỗi hẹn 4 năm. Ảnh: VNE

Cùng với đó, Tổng thầu cần phải thực hiện nốt các thử nghiệm và các bước đánh giá an toàn phục vụ nghiệm thu các hạng mục thiết bị. Vận hành thử toàn hệ thống để kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành. 

Trước đó, tháng 7/2015, tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc báo cáo tiến độ các nhà ga trên tuyến mới đạt 30-50% khối lượng và xin lùi tiến độ. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải lúc này đã yêu cầu thay lãnh đạo tổng thầu và phải "quyết liệt đưa dự án đúng mốc 30/6/2016".

Đến giữa năm 2016, dự án lại lỗi hẹn vì thi công nhỏ giọt. Bộ Giao thông Vận tải ra "tối hậu thư" yêu cầu ngày 31/12/2016, tổng thầu phải hoàn thành xây lắp, cuối quý 2/2017 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, tổng thầu EPC một lần nữa thất hứa và xin lùi đến đầu năm 2018. 

Đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng "chốt" tiến độ trong quý 4; thời gian vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc khác từ 3 đến 6 tháng. 

Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đặt mốc vận hành vào tháng 4/2019. Dịp 30/4 vừa qua, dự án tiếp tục "án binh bất động" và đến nay chưa cơ quan nào công bố bao giờ đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông "về đích".

Bộ GTVT tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (tăng 9.231,62 tỉ đồng, tương đương 205,27%) tại Quyết định số 531/QĐ-BGTVT ngày 23-2-2016 khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh dự án đầu tư là thực hiện chưa đúng quy định tại điều 10, Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội và điều 7, điều 106 Luật Đầu tư công.

Đặc biệt, tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng 9.231,62 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chưa chứng minh được hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh khi tăng tổng mức đầu tư.

Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư năm 2017 bao gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại của hiệp định vay 250 triệu USD chưa đúng quy định; phê duyệt bổ sung vào tổng mức đầu tư chi phí xây lắp tăng thêm 21,07 triệu USD (tương đương 6% chi phí xây dựng) do một số nguyên nhân khách quan, thay đổi biện pháp thi công từ đầu dự án khi chưa có dự toán chi tiết, thiếu cơ sở pháp lý.

Về tài chính của dự án, đến ngày 30-6-2018, số vốn đầu tư vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỉ đồng do chủ đầu tư tính sai đơn giá 175 tỉ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỉ đồng...

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD (tương đương 186,7 tỉ đồng) so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //