Yêu cầu không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến dịp Tết

28-12-2022 17:11:15

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra sáng 28/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,38%. CPI bình quân năm 2022 ước tăng 3,1 - 3,2% so với năm 2021 trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội đề ra.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, năm 2023 tiềm ẩn rất nhiều yếu tố khó khăn, bất lợi đối với công tác quản lý, điều hành giá, nhất là trong nửa đầu năm. Ông Hải cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể liên quan đến điều hành giá xăng dầu, giá điện và một số mặt hàng thiết yếu khác năm 2023 và công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu (gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, đồ uống…) dịp tết Nguyên đán Quý Mão…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Trước tình hình này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị đối với tết Quý Mão 2023, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Phó thủ tướng cũng lưu ý Bộ Giao thông vận tải công tác quản lý dịch vụ vận tải hành khách dịp tết Nguyên đán, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, nhất là người lao động xa nhà về quê ăn tết. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu đi lại của bà con tăng cao để tăng giá vé bất hợp lý, sai quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính kịp thời đề xuất việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt tại các địa bàn xảy ra thiên tai, bão lũ… không để nhân dân thiếu đói trong dịp tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.

Ngoài ra, đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải,…

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //