Xúc động bữa cơm tất niên của người bệnh ung thư
Bữa cơm tất niên quây quần bên người thân là mong muốn của tất cả mọi người nhưng với người bệnh ung thư phải ở lại bệnh viện điều trị có lẽ không thể tránh khỏi những phút giây chạnh lòng.
Bệnh viện K tổ chức bữa cơm tất niên của người bệnh ung thư ở lại bệnh viện điều trị dịp Tết.
Với mong muốn đem đến không khí đoàn viên ấm áp trong bệnh viện, nhân dịp xuân Canh Tý đang đến gần, Bệnh viện K đã tổ chức Chương trình Tết yêu thương - Cơm sum vầy với 110 mâm cơm tất niên ngay tại căngtin của bệnh viện cho bệnh nhân ung thư không có điều kiện về nhà đón Tết. Chương trình thể hiện niềm mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau và mang đến một năm mới hạnh phúc cho những người bệnh kém may măn.
Tham dự chương trình có Ban lãnh đạo bệnh viện và cán bộ nhân viên y tế cùng gần 600 người bệnh, đặc biệt là sự góp mặt chia sẻ của các cơ quan thông tấn, báo chí, những người luôn đồng hành cùng người bệnh ung thư nghèo.
Bữa cơm tất niên có sự tham gia của Lãnh đạo bệnh viện, các y bác sĩ và các bệnh nhân ung thư cùng người nhà.
Ngay sau khi cùng Ban lãnh đạo Bệnh viện tạm biệt gần 200 người bệnh lên những chuyến xe yêu thương cuối cùng của năm 2020, tất cả người bệnh và cán bộ y tế đã cùng động viên, chia sẻ với nhau bên bữa cơm tất niên đầy ý nghĩa.
Tham gia chương trình, các bệnh nhân ung thư đã thật sự đón nhận không khí ấm áp, sum vầy của ngày Tết khi họ được cùng nhau quây quần bên những người bạn đồng hành cùng điều trị, các cán bộ y tế hàng ngày chăm sóc cho họ, thưởng thức những hương vị của ngày Tết cổ truyền như bánh chưng, nem, giò…
Bữa cơm tổ chức ngay tại căng tin bệnh viện với đầy đủ các món ăn truyền thống dịp Tết.
Nhiều bệnh nhân dù vừa truyền hoá chất xong, người còn mệt nhưng vẫn rất tự tin, cười tươi đi đến từng bàn hỏi thăm, chúc sức khoẻ các y bác sĩ và các bệnh nhân khác.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ “Chúng tôi tổ chức bữa cơm tất niên thân mật trong không khí hết sức đầm ấm để tất cả người bệnh cảm nhận sự chia sẻ của bệnh viện, bác sỹ, điều dưỡng, cán bộ như tình cảm mà những người thân trong gia đình dành cho nhau”.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc bệnh viện K ân cần hỏi thăm các bệnh nhân.
Cùng với đó, Ban lãnh đạo bệnh viện cũng trao những phong bao lì xì may mắn, chúc sức khoẻ và bình an đến với người bệnh. Nhiều hàng nước mắt đã rơi, những câu cảm ơn đã được nói lên, những vòng ôm thật chặt là những gì người bệnh muốn dành cho người thân của mình.
Hơn cả bữa cơm tất niên, đó là tình cảm, là tấm lòng, là sự chung tay của cả cộng đồng dành cho các bệnh nhân ung thư, để mỗi người có thêm nghị lực và lòng quyết tâm chiến thắng bệnh tật, đón thêm thật nhiều mùa xuân trong đời. Với các bệnh nhân không đủ sức khỏe để tham dự Chương trình, đại diện bệnh viện đã tới từng giường bệnh thăm hỏi, động viên và trao những phần quà và 104 xuất cơm vừa đảm bảo dinh dưỡng lại đong đầy sẻ chia với người bệnh.
Niềm vui của cả các thầy thuốc và bệnh nhân.
Đặc biệt trong dịp này, Bệnh viện K sẽ chuẩn bị tất cả những phần cơm cho người bệnh ở lại điều trị, để họ có thể yên tâm hơn, ấm lòng hơn dù phải xa nhà trong dịp Xuân mới sang.
Niềm vui của bệnh nhân khi được các y bác sĩ quan tâm và sẻ chia.
Bệnh nhân Nguyễn Thị V.đang truyền hoá chất tại khoa Nội 5 cho biết “Lần điều trị này đúng vào dịp Tết nguyên đán nên tôi chắc không về ăn Tết cùng gia đình được, lúc đầu cũng có chút chạnh lòng, nhớ nhà khi thấy nhiều người được trở về quê. Nhưng giờ tôi không thấy buồn, vì đã có các bác sĩ với các bạn bè cùng điều trị ở đây. Chúng tôi không bao giờ nghĩ nằm viện mà lại có được bữa cơm tất niên đủ đầy như thế này. Thật sự rất bất ngờ và xúc động, tôi rất biết ơn sự quan tâm của bệnh viện và các nhà hảo tâm đã mang đến những ngày Tết yêu thương đầm ấm như vậy”.
Ban lãnh đạo bệnh viện cũng trao những phong bao lì xì may mắn, chúc sức khoẻ và bình an đến với người bệnh đang ở lại điều trị dịp Tết này.
Chương trình Tết yêu thương - Cơm sum vầy là hoạt động ý nghĩa phần nào giúp các bệnh nhân vơi đi nỗi nhớ quê hương, gia đình trong những ngày Tết đến Xuân về. Và với họ Bệnh viện K không chỉ là nơi điều trị đơn thuần mà dường như thành ngôi nhà thứ hai của mỗi người bệnh ung thư.