Xịt mũi nhiều có tốt không: Câu trả lời khiến nhiều người giật mình

09-03-2020 10:39:39

Xịt mũi nhiều có tốt không là thắc mắc của rất nhiều người, đặc biệt là những người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang và trẻ nhỏ thường xuyên bị sổ mũi. Vậy, câu trả lời chính xác là gì?

Các loại xịt mũi thông dụng

Dung dịch xịt mũi, thuốc xịt mũi là sản phẩm y tế quá quen thuộc với nhiều gia đình. Thông thường, có 3 loại chính được nhiều người sử dụng là: Dung dịch nước muối sinh lý, thuốc xịt mũi co mạch và thuốc xịt mũi dạng corticoid. Nếu lạm dụng mà không hiểu rõ từng loại có thể gây nguy hại cho sức khỏe. 

Xịt mũi nhiều có tốt không? 

Câu trả lời phụ thuộc vào loại dung dịch xịt mũi hoặc loại thuốc xịt mũi mà bạn sử dụng. 

1. Với thuốc xịt mũi co mạch

Xịt mũi nhiều có tốt không? Câu trả lời là không. Thuốc xịt mũi co mạch có tác dụng giảm nghẹt mũi do cảm lạnh, cúm, viêm xoang cấp do virus. Thuốc co mạch dạng Naphazoline, Oxymetazoline… chỉ được dùng ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi. Oxymetazoline có dạng 0,05% có thể sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi. 

Thuốc xịt mũi co mạch chỉ được dùng trong khoảng 7 ngày, tuyệt đối không dùng kéo dài. Nếu xịt mũi quá thường xuyên, thuốc có thể gây ngạt mũi, thủng vách ngăn mũi hoặc viêm teo mũi. Nhiều trường hợp còn bị mất khứu giác (không ngửi được) tạm thời hoặc vĩnh viễn. 

Tuyệt đối không sử dụng thuốc xịt mũi co mạch của người lớn cho trẻ em. Vì thuốc có thể gây hỏng niêm mạc mũi của trẻ, dẫn đến bệnh viêm mũi xoang và nhiều hệ lụy khác. 


Không nên sử dụng thuốc xịt mũi của người lớn cho trẻ em

2. Với thuốc xịt mũi có chứa corticoid

Xịt mũi nhiều có tốt không? Câu trả lời là không. Thuốc xịt mũi có chứa corticoid có chứa chất chống dị ứng, chất chống viêm, giúp cải thiện các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi do viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang mạn tính hoặc do lệch polyp mũi. 

Khi sử dụng, bạn nên làm đúng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất và chỉ sử dụng trong thời gian từ 3-5 ngày. Nếu dùng lâu hơn thời gian này, hoặc xịt mũi quá thường xuyên có thể dẫn đến khô niêm mạc mũi, rát mũi, chảy máu mũi. Thậm chí, nhiều người còn bị buồn nôn, nôn, khó chịu ở dạ dày…

Có nhiều bằng chứng cho thấy, sử dụng thuốc xịt mũi có chứa corticoid quá thường xuyên còn dẫn đến nhờn thuốc, gây nghiện. Thời gian đầu sau khi sử dụng, triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi sẽ giảm, nhưng sau một thời gian sẽ phản tác dụng, các triệu chứng không đỡ mà còn nặng hơn. Xịt mũi nhiều trong thời gian dài cũng có thể gây hồi hộp, kích ứng do hoạt chất trong thuốc xịt mũi đi vào máu, tác động lên hormone, dẫn đến việc điều tiết adreanalin quá mức. 

Xịt mũi nhiều có thể gây nhờn thuốc

Riêng với bà bầu, dùng thuốc xịt mũi có chứa corticoid có thể làm tăng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Mặc dù nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở trẻ không quá cao nhưng bạn cũng nên cẩn trọng khi sử dụng, tránh nguy hại cho cả mẹ và con. 

3. Với dung dịch vệ sinh mũi 

Xịt mũi nhiều có tốt không? Câu trả lời là có. Dung dịch vệ sinh mũi thường là các sản phẩm có chứa nước muối biển và các nguyên tố vi lượng như Cu, Zn, Mn, Mg, Se, I, Al… với nồng độ tối ưu cho sức khỏe niêm mạc. 

Xịt mũi bằng dung dịch vệ sinh mũi giúp làm sạch hốc mũi

Theo các chuyên gia tai mũi họng, mũi cũng cần được chăm sóc, vệ sinh mỗi ngày, giống như việc đánh răng, rửa mặt. Các chuyên gia cho rằng, xịt mũi và rửa mũi có tác dụng tích cực, giúp phòng tránh nhiều bệnh đường hô hấp hiệu quả. 

  • Nước muối biển có tác dụng làm loãng dịch nhầy, bong tróc dịch mũi khô trong mũi, đồng thời rửa trôi bụi bẩn, phấn hoa, virus, vi khuẩn trong hốc mũi.
  • Các nguyên tố vi lượng như đồng, kẽm… có trong dung dịch vệ sinh mũi giúp sát khuẩn, làm se niêm mạc mũi, bảo vệ và phục hồi niêm mạc mũi. Niêm mạc mũi khỏe sẽ giúp “cửa ngõ” hệ hô hấp luôn thông thoáng, khỏe mạnh, đẩy lùi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
  • Dạng xịt phun sương có khả năng rửa mũi sạch tận sâu bên trong. Dung dịch ở dạng phun sương có thể đi sâu vào hốc mũi, luồn lách đến các ngóc ngách trong hốc mũi và xoang, từ đó làm sạch hốc mũi xoang. Đây là ưu điểm chính là các sản phẩm nhỏ mũi không làm được.
Anh Nguyễn
Theo Đời sống Plus/GĐVN //