Xem xét giải thể Sở Ngoại vụ Thái Bình
Không đáp ứng được tiêu chí thành lập, không có hoạt động nổi bật, Sở Ngoại vụ Thái Bình vừa được xem xét giải thể.
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 11 vừa kết thúc ngày 9/12, HĐND tỉnh Thái Bình khóa 16, nhiệm kỳ 2016-2021 đã xem xét, thông qua tờ trình của UBND tỉnh này, về việc giải thể Sở Ngoại vụ tỉnh.
Nguyên nhân xem xét, thông qua việc giải thể Sở Ngoại vụ Thái Bình là do tỉnh Thái Bình không đáp ứng được các tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), Sở Ngoại vụ được thành lập khi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng một trong các tiêu chí sau: có cửa khẩu quốc tế đường bộ; có cửa khẩu quốc tế đường hàng không; có cảng biển quốc tế; có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài trở lên (hoặc có tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 100.000 tỷ Việt Nam đồng) đang hoạt động tại địa phương, có trên 4.000 người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại địa phương, có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt từ 100.000 tỷ Việt Nam đồng trở lên, đã ký kết thỏa thuận về hợp tác quốc tế với 5 địa phương trở lên.
Trong khi đó tỉnh Thái Bình hiện chưa đáp ứng được các tiêu chí trên.
Mặt khác, theo thông tin tại kỳ họp, sau 4 năm hoạt động, Sở Ngoại vụ Thái Bình chưa thực sự tạo ra điểm nhấn nổi bật trong lĩnh vực quản lý, chưa có trụ sở riêng (đặt tạm thời trong trụ sở UBND tỉnh), đội ngũ cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm.
Cán bộ, công chức Sở Ngoại vụ Thái Bình. Ảnh: Trang thông tin Sở Ngoại vụ Thái Bình.
Được biết, Sở Ngoại vụ Thái Bình được thành lập ngày 26/12/ 2016 theo Quyết định của UBND tỉnh. Trước khi được xem xét, thông qua việc giải thể, Sở Ngoại vụ Thái Bình thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngoại vụ và công tác biên giới lãnh thổ quốc gia của tỉnh; các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.
Tham mưu cho Tỉnh ủy (thông qua Ban Cán sự đảng UBND tỉnh) về chủ trương hội nhập quốc tế, định hướng mở rộng quan hệ và triển khai toàn diện công tác đối ngoại của tỉnh; tổ chức, quản lý công tác đối ngoại Đảng tại địa phương theo các quy định của Đảng.
Theo thông tin tại Trang thông tin điện tử Sở Ngoại vụ Thái Bình, Sở hiện có 12 cán bộ, công chức (1 người có học vị tiến sĩ, 2 người có học vị thạc sĩ, 8 người tốt nghiệp đại học chính quy, 1 người tốt nghiệp đại học tại chức). Lãnh đạo Sở gồm ông Trần Huy Hải (Giám đốc); Phạm Quang Dũng, Nguyễn Ngọc Dư (Phó Giám đốc)
Trong khi đó, thông tin tại kỳ họp HĐND tỉnh cho biết, sau khi được giải thể, số cán bộ dôi dư của Sở Ngoại vụ Thái Bình sẽ được chuyển về công tác tại Văn phòng UBND tỉnh (thành lập Phòng Ngoại vụ) và Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình.