Vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Đất đá vùi 5m tại nơi đoàn cứu hộ gặp nạn
Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động gần 1.000 người, 189 phương tiện các loại và 3 chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm người mất tích trong sự cố sạt lở ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3.
Hàng nghìn người được huy động tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3.
Tối ngày 14/10, theo nguồn tin trên báo Thanh niên, báo cáo từ Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, tính đến 18h30 cùng ngày, các lực lượng chức năng đã huy động hàng nghìn người cùng nhiều phương tiện tham gia tìm kiếm người mất tích trong sự cố sạt lở ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3.
Cụ thể, để tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động 983 người, 189 phương tiện các loại và 3 chó nghiệp vụ tham gia.
Trong đó, Bộ Quốc phòng điều động 666 cán bộ, chiến sĩ và 119 phương tiện các loại. Đến 15 giờ hôm nay, 3 chó nghiệp vụ đã tiếp cận khu vực nhà ở của trạm kiểm lâm 67, nơi 13 người trong đoàn cứu hộ đang bị mất tích, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4.
Nhiều phương tiện cũng được huy động để tìm kiếm các nạn nhân
Nguồn tin của Dân Việt cho hay, tại hiện trường, Trạm kiểm lâm 67 nay đã biến mất vĩnh viễn bởi nguyên một quả đồi xẻ đôi, đổ ụp uống bao trùm lên mọi thứ. "Theo quan sát, đất, đá và bùn cùng cành cây chất đống dày khoảng 5m, nguyên cả một vùng tan hoang nên công tác cứu nạn vô cùng khó khăn" - nguồn tin cho biết.
Theo nguồn tin này, Trạm kiểm lâm 67 là khu nhà 4 gian, nơi trú chân của đoàn công tác cứu trợ 21 người. Ngay trong đêm 12/10, trong khi đoàn đang ngủ thì núi lở, đổ ập vào 3 gian nơi có 8 người ngủ. Một đoàn còn lại ngủ trong gian còn lại kịp thoát ra ngoài trước khi đất cát, cây đổ ụp xuống chôn vùi mọi thứ.
Về phương án trong ngày mai (15/10), Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẽ chia làm 2 mũi.
Một mũi tổ chức tìm kiếm đoàn công tác 13 người mất tích ở khu vực trạm Kiểm lâm 67. Mũi còn lại huy động phương tiện máy móc tiếp tục san, gạt thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm những công nhân bị mất tích.
Thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở do mưa lũ, vùi lấp nhiều nhân viên đang làm việc tại đây.
Trước đó như đã đưa tin, chiều ngày 12/10, một lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được cuộc gọi của lãnh đạo Công ty Cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế về sự cố sạt lở do mưa lũ, vùi lấp nhiều nhân viên đang làm việc tại đây.
Nhận được tin báo, UBND tỉnh cử lực lượng, phương tiện cứu hộ lập tức di chuyển đến địa bàn xảy ra sự cố, nhưng do mưa lũ và địa hình hiểm trở nên chưa thể tiếp cận được hiện trường. Được biết, khu vực thủy điện này cách trung tâm xã hơn 35 km và hiện nhiều điểm sạt lở, ngập nên chia cắt.
Khoảng 13h ngày 12/10, ngay khi có điện báo sạt lở đất vùi lấp hơn 10 lao động ở thủy điện Rào Trăng 3, đoàn công tác của UBND tỉnh và Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man cùng Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên -Huế và cán bộ chiến sĩ lập tức lên đường tìm kiếm, cứu nạn.
Đến 16h, đoàn đến khu vực rừng núi có công trình thủy điện Rào Trăng 3. Đoàn quyết định vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường để khảo sát, chỉ đạo công tác cứu nạn. Do mưa lũ, sạt lở, thêm suối chảy bất thường nên đi lại rất khó khăn nên khi đoàn quyết định nghỉ ở Trạm kiểm lâm số 7 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ.
Tuy nhiên, giữa đêm đã xảy ra một vụ sạt lở đất rất lớn chôn vùi 2 căn phòng của lực lượng cứu hộ đang nghỉ tại đây. Vụ việc khiến 13 người mất tích. Trong đó, có 11 cán bộ quân đội, có 2 người là cán bộ địa phương. Trong đó, có Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế).