Vụ nâng điểm thi 1 tỷ đồng/suất ở Sơn La: Chưa đủ căn cứ đưa, nhận tiền
Tại buổi họp báo của Chính phủ, liên quan đến thông tin nâng điểm thi 1 tỷ đồng/suất, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, hiện cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để kết luận việc đưa, nhận tiền.
Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an. Ảnh HNBVN
Liên quan đến vụ gian lận thi cử xảy ra tại kỳ thi THPT năm 2018 chiều tối 31/5, Tuổi trẻ đưa tin, tại buổi họp báo của Chính phủ, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, Cơ quan điều tra đã khởi tố 3 vụ án ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, trong đó vụ Hòa Bình do Cơ quan điều tra của Bộ Công an thụ lý, còn vụ ở Hà Giang và Sơn La do Công an địa phương thụ lý.
Nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng thời hạn các vụ án theo các quy định của pháp luật, trước mắt các Cơ quan điều tra ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố các bị can đã xác định được rõ hành vi, để khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử theo đúng quy định.
Đối với thông tin về việc chạy mỗi suất nâng điểm có giá trung bình 1 tỷ đồng ở Sơn La, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay, cơ quan điều tra cũng đã có thông tin này và hiện nay đối với thông tin đưa và nhận tiền này, cơ quan điều tra sẽ thu thập, đấu tranh để có thêm chứng cứ khác nhằm chứng minh theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Quang nói thêm, hiện cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để kết luận việc đưa – nhận tiền để nâng điểm. Nhưng cơ quan điều tra vẫn đang đang khẩn trương đấu tranh làm rõ, củng cố chứng cứ, khi có đủ kết luận sẽ công bố thông tin công khai.
Trong một diễn biến khác trên Dân Việt, sáng nay bên hành lang Quốc hội, trả lời về nội dung trên, ông Nguyễn Đắc Quỳnh - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sơn La, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết, ông nghe Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh báo cáo rằng, thông tin này chỉ ở một phía, là lời khai của đối tượng, chưa có căn cứ để khẳng định, nên cần phải kiểm chứng.
Cũng liên quan đến gian lận thi cử, tại Quốc hội có nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại việc thực hiện kỳ thi "2 chung" là tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) như thế nào đối với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã nghiên cứu Đề án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Nhìn lại những kỳ thi trước năm 2015, khi đó học sinh phải thi 3 kỳ thi khác nhau, việc tổ chức thi gây khó khăn cho cha mẹ học sinh, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, vấn đề đặt ra khi đó là làm thế nào để khắc phục khó khăn, giảm áp lực cho các em, và việc bỏ thi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện thì cấp tốt nghiệp rồi xét tuyển đại học cũng đã được cân nhắc.
Thứ trưởng Độ dẫn chứng trong Luật Giáo dục nêu rõ, đây là một trong nhũng kỳ thi quan trọng, nếu bỏ thì động lực sẽ giảm. Vì vậy, “Bộ quyết đinh đưa ra tổ chức kỳ thi "2 chung", là kỳ thi THPT quốc gia, vừa là kết quả tốt nghiệp THPT và là cơ sở để tuyển sinh đại học, cao đẳng, Infonet cho hay.