Vụ Khaisilk: Đủ các yếu tố để cấu thành phạm pháp hình sự
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Khaisilk vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh khác nhau, đủ các yếu tố để cấu thành phạm pháp hình sự.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vụ Khaisilk đủ các yếu tố để cấu thành phạm phạm pháp hình sự. Ảnh: Tiến Tuấn/Zing news
Sáng 31/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc vì sao Bộ Công Thương quyết định chuyển hồ sơ vụ Khaisilk cho cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết:
Trên thực tế, sau khi có báo cáo tổng hợp về vụ việc này của các cơ quan chức năng, trong đó có báo cáo từ các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương, cộng thêm các thông tin, dấu hiệu, chứng cứ vi phạm pháp luật của Khaisilk cho thấy các hành vi vi phạm của doanh nghiệp này cũng như các cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Khaisilk là nghiêm trọng, theo báo Tổ quốc.
Theo ông Trần Tuấn Anh, các hành vi như làm giả nhãn mác cho các sản phẩm nhập từ nước ngoài, lừa dối và gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh khác nhau đã đủ các yếu tố để cấu thành phạm pháp hình sự.
Về quy mô cũng như các mức độ của hành vi vi phạm này đã vượt quá ngưỡng xử lý vi phạm hành chính, đủ điều kiện để chuyển các cơ quan điều tra về kinh tế để làm rõ.
"Qua báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý Cạnh tranh, chúng tôi thấy rằng có sự phức tạp trong mối liên hệ giữa tập đoàn Khaisilk với các cửa hàng trực thuộc Tập đoàn trong kinh doanh các sản phẩm sử dụng nhãn mác giả đó. Vì vậy, cần phải có lực lượng chức năng để làm rõ mức độ vi phạm hình sự của hoạt động kinh doanh này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý, ngoài thẩm định giá thì về quy mô cũng như mức độ thiệt hại của vi phạm đã vượt quá mức 30 triệu đồng, do vậy việc xử lý sẽ chuyển sang một mức khác, theo báo Vietnamplus.
Hơn nữa, qua báo cáo của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Cục quản lý cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho thấy sự phức tạp trong mối liên hệ giữa tập đoàn Khaisilk và các cửa hàng trực thuộc của tập đoàn này cũng như các cửa hàng ở 113 Hàng Gai trong việc kinh doanh sản phẩm có nhãn mác giả đó.
Do vậy, theo Người đứng đầu Bộ Công Thương, vụ việc trên cần phải có lực lượng chức năng đủ thẩm quyền, năng lực để làm rõ tính chất vi phạm thông qua các hoạt động mang tính chất kinh doanh như vậy.
"Toàn bộ hồ sơ được chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì cùng với Tổng Cục thuế, Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan để xác minh làm rõ, thanh tra các hoạt động, dấu hiệu vi phạm trên toàn bộ hệ thống các cửa hàng thuộc tập đoàn Khaisilk," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Trước đó, theo báo cáo của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau khi kiểm tra cửa hàng kinh doanh hàng dệt may tại 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể số 01C8003643 do Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cấp.
Bước đầu bà Nguyễn Thị Thu Nga thừa nhận, mặc dù chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất song do sơ xuất trong khâu quản lý trong dịp 20/10 vừa qua và do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China" sau đó khâu đính nhãn "KhaiSilk Made in Việt Nam" để bán cho khách hàng.
Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn chỉ dẫn giả mạo xuất xứ là 60 chiếc, cơ sở đã bán 4 chiếc hiện còn tồn 56 chiếc. Hiện giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc nên tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.
Tại buổi kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số hàng hóa này để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.