Vụ khai khống lợn dịch ở Nam Định: Choáng với số tiền bị chiếm đoạt
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến vừa ký công văn yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu huỷ dịch tả lợn châu Phi.
Chiều 9/11, thông tin trên báo Vietnamnet cho biết, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến vừa ký công văn yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu huỷ dịch tả lợn châu Phi.
Công văn gửi đi nêu rõ, trong thời gian qua, các cơ quan truyền thông đã phản ánh tại một số địa phương có tình trạng kê khai chưa chính xác, có dấu hiệu gian lận, trục lợi chính sách của nhà nước trong hỗ trợ tiêu huỷ lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt hại ngân sách của nhà nước và làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp khai khống tiêu huỷ dịch tả lợn châu Phi để trục lợi chính sách hỗ trợ của nhà nước. Ảnh Vietnamnet.
Để chấm dứt tình trạng nêu trên, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu huỷ dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, tổ chức rà soát, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh, số liệu lợn buộc phải tiêu huỷ và thực thi chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính hủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ của nhà nước.
Kịp thời chấn chỉnh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai sót, gian lận, trục lợi chính sách hỗ trợ của nhà nước. Báo cáo tình hình sử dụng kinh phí của Trung ương và địa phương để hỗ trợ cho người chăn nuôi, cũng như hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu phi.
Trong đó nêu chi tiết những vấn đề đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, bất cập, đề xuất giải pháp để khắc phục và gửi Thường trực Ban chỉ đạo trước ngày 30/11 để tổng hợp, báo cáo và đề xuất với chính phủ.
Xã Hải An, nơi Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Đảm cùng 3 đồng phạm bị bắt.
Trước đó, theo phản ánh của người dân, trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Hải An (Hải Hậu, Nam Định) có lợn mắc dịch phải tiêu hủy. Tuy nhiên, thay bằng việc thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, thống kê chính xác thiệt hại làm căn cứ hỗ trợ, chính quyền xã lại thống kê khống hàng chục tấn lợn bị tiêu hủy để trục lợi tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Trước những phản ánh của người dân địa phương, chính quyền huyện Hải Hậu đã ngay lập tức họp khẩn, chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, làm rõ việc thực hiện công tác kê khai, tiêu huỷ và chi trả kinh phí hỗ trợ người dân có lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi đợt 1 năm 2019 ở xã Hải An.
Qua công tác thanh tra, UBND huyện Hải Hậu phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm tại xã Hải An. Cụ thể, lãnh đạo UBND xã Hải An đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn của xã là ông Đặng Văn Dương, cán bộ địa chính 2; Nguyễn Văn Đính, cán bộ thú y, thành viên Ban Phòng chống dịch kê khống số lượng, trọng lượng và chủng loại lợn mắc dịch của 146/201 hộ dân trong xã nhằm mục đích trục lợi kinh phí hỗ trợ thiệt hại của Nhà nước. Tổng trọng lượng khai khống là 8 tấn lợn nái, 20 tấn lợn thịt.
Theo báo cáo của UBND huyện Hải Hậu, số tiền hỗ trợ 50% được cấp phát đợt 1 theo hồ sơ đề nghị của UBND xã Hải An là hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó, số tiền sai lệch (khai tăng) hơn 486 triệu đồng.
Sau khi phát hiện sự việc trên, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan; khẩn trương thu hồi, hoàn trả đủ số tiền hơn 486 triệu vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước huyện Hải Hậu.
Ngày 6/11, thông tin từ Công an huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết, đơn vị này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với một số cán bộ xã Hải An (huyện Hải Hậu) do liên quan đến việc khai khống lợn bị dịch tả lợn Châu Phi để trục lợi tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Các trường hợp bị bắt tạm giam gồm: Phạm Văn Đảm, Chủ tịch UBND xã Hải An; Đặng Văn Dương, cán bộ địa chính 2; Vũ Hữu Đính, cán bộ thú y. Riêng bà Đỗ Thị Tám, cán bộ tài chính xã được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú vì đang mang thai.