Vụ khách Tây bị tài xế taxi trả lại tiền âm phủ có thể xử lý hình sự?
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi dùng tiền âm phủ để trả lại tiền thừa cho khách nước ngoài đã xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác về tài sản được pháp luật bảo vệ.
Vụ khách tây bị tài xế taxi trả lại tiền âm phủ có thể xử lý hình sự?
Như tin đã đưa, khoảng 19h ngày 16/7, sau khi rời một nhà hàng trên phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, anh Miguel Fernandez Lamelas, (SN1981) cùng bạn gái là Elena Blasco Hernandez, (SN 1981), cùng mang quốc tịch Tây Ban Nha thuê lái xe taxi do Trần Văn Phong, (SN1989, trú tại Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định) chở về khách sạn nằm trên địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Khi về đến khách sạn, anh Muguel đưa cho Phong 500.000 đồng, trong khi đồng hồ tính tiền cho thấy quãng đường đi của anh Muguel cùng bạn gái hết 37.000 đồng.
Không có tiền trả lại, và nghĩ rằng hai du khách nước ngoài không rõ tiền Việt, cộng thêm việc bất đồng ngôn ngữ, nên Phong nảy lòng tham.
Tài xế taxi này đã lấy trong xe 3 tờ tiền âm phủ gồm 2 tờ mệnh giá 200.000 đồng và 1 tờ mệnh giá 500.000 đồng đưa cho anh Muguel. Nghĩ rằng tài xế trả tiền còn thừa nên anh Muguel cho vào túi.
Sáng 17/7, Muguel cùng bạn gái thuê một chiếc taxi khác chở đến 21 Hàng Thùng để mua vé đi du lịch Sa Pa. Sau đó, cả 2 mới biết mình bị trả lại tiền âm phủ.
Trước sự việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác về tài sản được pháp luật bảo vệ.
Xét hành vi khách quan của đối tượng thấy, Phong lợi dụng anh Miguel Fernandez Lamelas, và bạn gái cùng mang quốc tịch Tây Ban Nha không biết tiếng Việt và phân biệt tiền Việt Nam với tiền âm phủ (dùng trong thờ cúng theo phong tục tập quán của dân tộc) đã dùng thủ đoạn gian dối trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ không có giá trị sử dụng nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền thừa phải trả cho khách khi họ đưa 500.000.
Khách Tây bị tài xế taxi trả lại 900 nghìn đồng tiền âm phủ
Theo đúng cước phí thanh toán hết 37.000 đồng mà họ đưa 500.000 đồng thì lái xe taxi phải trả lại tiền thừa là 463.000 đồng nhưng đối tượng đã đưa trả lại bằng 3 tờ tiền âm phủ gồm 2 tờ mệnh giá 200.000 đồng và 1 tờ mệnh giá 500.000 đồng không có giá trị sử dụng.
Đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ làm cho 2 người khách nước ngoài tin số tiền trả lại đó là sự thật đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 174 BLHS 2015.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên tài sản chiếm đoạt thông thường phải từ 02 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, trường hợp chiếm đoạt số tiền dưới 02 triệu thì ngoài việc người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì theo quy định mới của Bộ luật hình sự 2015 vẫn có thể bị xử lý hình sự theo tình tiết định khung theo điểm c, khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Theo quan điểm của luật sư, hành vi phạm tội của đối tượng đã gây ảnh hưởng rất đến an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, gây bất bình trong dư luận xã hội và làm giảm uy tín, thiện cảm trong con mắt người nước ngoài khi đến Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật mới có đủ sức răn đe, cảnh báo cho những đối tượng đã và đang có những hành vi đi ngược lại những giá trị văn hóa, văn minh tốt đẹp của truyền thống văn hóa người Việt Nam.
Trường hợp, nếu Cơ quan điều tra xét thấy hành vi của đối tượng chưa đến mức xử lý hình sự thì đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm c, khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng về hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác”
Điều 174 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: (a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; (b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Có tổ chức; (b) Có tính chất chuyên nghiệp; (c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (d) Tái phạm nguy hiểm; (đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; (e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; (g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.