Vụ hai mẹ con tử vong nghi do thuốc diệt côn trùng ở Đà Nẵng: Bất ngờ lý giải của chuyên gia

26-09-2018 13:46:29

Ngay sau khi xuất hiện thông tin hai mẹ con và một du khách tử vong sau khi ở khách sạn Đà Nẵng nghi do thuốc diệt côn trùng, chuyên gia Viện Sốt rét và Kí sinh trùng Trung ương đã có những tiết lộ bất ngờ về ảnh hưởng của loại thuốc này.


Nhiều người băn khoăn liệu các loại thuốc diệt côn trùng có an toàn?. Ảnh minh họa.

Ngộ độc thuốc diệt côn trùng liệu có gây chết người?

Liên quan đến vụ việc hai mẹ con và một du khách tử vong khi lưu trú tại một khách sạn tại Đà Nẵng, hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, một chi tiết đáng chú ý đó là trước thời điểm du khách lưu trú, khách sạn vừa phun thuốc diệt côn trùng.

Điều này khiến dư luận dấy lên lo ngại về độ an toàn của các loại thuốc diệt côn trùng hiện nay.

Trao đổi với PV về vấn đề này, TS. Vũ Đức Chính – Trưởng khoa Côn Trùng – Viện Sốt rét và Kí sinh trùng Trung ương cho biết, thuốc hay hóa chất diệt côn trùng là các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp có tác dụng làm giảm mật độ của côn trùng gây bệnh trong các vụ dịch.

Hiện nay, trên thị trường các loại thuốc diệt côn trùng rất đa dạng nhưng về cơ bản đều có thành phần hoạt chất tương tự nhau, thường là những chất hóa học tổng hợp thuộc nhóm Pyrethroids hay Propoxur.

Theo TS Chính, các loại thuốc diệt côn trùng lưu hành hiện nay đều đã qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt của ngành y tế hay ngành nông nghiệp mới được cấp phép bán ra thị trường vì thế đều khá an toàn. Tác hại gây ngộ độc hầu như không có nếu thuốc được dùng cẩn thận và hợp lý.

'Nếu sử dụng thuốc diệt côn trùng được kiểm nghiệm, dùng đúng liều lượng, chỉ phun xịt trên tường, sàn... thì không thể gây ngộ độc. Nếu người nào có cơ địa mẫn cảm, cũng chỉ dừng ở mức dị ứng, mẩn ngứa chứ khó có thể gây tử vong', TS Chính chia sẻ.

Nhiều người quan niệm, thuốc diệt côn trùng có tác dụng nhanh, tức thì, xịt khiến côn trùng chết ngay là tốt, tuy nhiên đây là quan niệm chưa đúng bởi  côn trùng càng chết nhanh, chứng tỏ rằng nồng độ hóa chất trong thuốc rất mạnh. Như vậy không chỉ côn trùng chết, mà sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng khi hít và tiếp xúc với những hóa chất này.


Nhân viên y tế đang tiến hành phun thuốc diệt côn trùng tại một hộ gia đình. Ảnh minh họa.

Sử dụng thuốc diệt côn trùng thế nào cho an toàn?

Để sử dụng an toàn các loại thuốc diệt côn trùng, điều tiên quyết theo TS Chính cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Nên thuê người có chuyên môn của cơ sở y tế để phun thuốc tại nhà.

Khi phun thuốc diệt côn trùng quy mô gia đình nên đưa các thành viên ra ngoài và chỉ và chỉ trở về tối thiểu sau 2 giờ sau khi phun thuốc. Chú ý mở của sổ cho không khí lưu thông và vệ sinh lại các dụng cụ như cốc, chén, bát, các vật dụng đựng đồ ăn, thức uống bởi nếu không may dùng phải các vật dùng hay đồ ăn bị phun thuốc có thể gây ra nguy cơ nhiễm độc.

Theo chuyên gia từ Viện Sốt rét và Kí sinh trùng Trung ương, người dân nên vệ sinh sạch sẽ nhà ở và môi trường sống, không tạo khoảng không gian chết hay nước tù đọng... để côn trùng không có cơ hội tồn tại.

Để phòng tránh ngộ độc, phải sử dụng đúng hướng dẫn sử dụng ghi trên bình thuốc. Không để thuốc gần tầm với của trẻ em, thức ăn hay vật nuôi, không dốc ngược bình, rửa tay kỹ sau mỗi lần cầm bình xịt, không đập vỡ bình hay ném bình vào lửa ngay cả khi bình đã hết, không ném bình xuống sông suối, nguồn nước công cộng.

Trong trường hợp khi sử dụng sản phẩm diệt côn trùng không may thuốc dính vào cơ thể, ở nồng độ lớn có thể gây kích ứng, bỏng rát da. Lúc này cần mau chóng rửa sạch vùng dính thuốc bằng nước sạch và tới cơ sở y tế ngay sau đó để thăm khám, kiểm tra lại.


Xem thêm Clip: Lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //