Viêm não Nhật Bản: Đường lây truyền và dấu hiệu nhận biết sớm ở trẻ bố mẹ nhất định phải biết
Từ tháng 6 đến tháng 8 là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản, vì thế bố mẹ hãy lưu ý trong cách chăm con nhé!
Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thờ sẽ để lại di chứng nặng nề.
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản, tuy nhiên chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi và nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ từ 2-6 (chiếm 75% tổng số trẻ mắc).
Đường lây truyền bệnh
Theo thông tin trên Vietnamnet, bệnh viêm não Nhật Bản được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động vật bị nhiễm virus (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người.
Đến nay, đây chính là con đường duy nhất lây nhiễm viêm não Nhật Bản. Bệnh này không lây truyền trực tiếp từ người sang người. Mọi người ăn uống chung, dùng chung đồ dùng và tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây truyền bệnh.
Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh, tuy nhiên chủ yếu là 2 loài hoạt động mạnh vào lúc chập choạng tối là: Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui.
Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh minh họa
Dấu hiệu bệnh
Theo Khám Phá, các dấu hiệu thường gặp bao gồm những triệu chứng như:
- Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao đột ngột, thậm chí lên đến 39-40 độ C, sau vài tiếng thì xuất hiện cơn đau đầu.
- Muộn hơn, trẻ thường có biểu hiện nôn và buồn nôn, thậm chí không ăn gì cũng nôn. Đây là những biểu hiện các bậc phụ huynh cần phải nhận biết để đưa trẻ đến viện điều trị kịp thời.
- Nếu để muộn hơn nữa trẻ sẽ có biểu hiện thay đổi ý thức li bì, hôn mê thậm chí là co giật. Khi để xuất hiện những biểu hiện này thì trẻ đã quá nặng, khả năng cứu chữa sẽ không cao.
Ở trẻ nhỏ, bố mẹ nên lưu ý đến một số triệu chứng quan trọng là nôn ói nhiều, thóp phồng, khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bế hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.
Dấu hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, bố mẹ nên lưu ý cách chăm con trong mùa dịch như sau:
- Nếu có quá nhiều muỗi trong nhà thì đêm ngủ nên mắc màn cẩn thận. Đây là cách duy nhất thực sự hiệu quả để muỗi xâm nhập.
- Dù bận rộn thì bạn cũng cố gắng dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ để tránh bị muỗi cắn. Hãy dọn sạch tất cả các nơi muỗi có thể trú ngụ được như những vũng nước đọng ngoài sân vườn, thùng rác…
- Tiêm văcxin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.
Báo động trẻ lớn mắc viêm não Nhật Bản. Nguồn: VTC