Vì sao bệnh nhân nhiễm virus corona không hề có biểu hiện ho, sốt?
Khác biệt với các bệnh nhân trước đây, ca bệnh thứ 13 dương tính với corona (nCoV) vừa được công bố không hề có biểu hiện đặc trưng của người nhiễm virus này.
Các bệnh nhân nghi nhiễm virus corona đang được cách ly tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Tối qua 07/02, Bộ Y tế vừa thông báo về ca bệnh thứ 13 dương tính với virus corona. Bệnh nhân là chị N. T. N. (29 tuổi, làm công nhân, ở xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đây là một trong 08 công nhân trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc trên cùng một chuyến bay, trong đó có 05 trường hợp đã xác định mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới nCoV (đã công bố).
Bệnh nhân N.T.N là 1 trong 3 người còn lại không có biểu hiện bệnh, không sốt, không ho và cũng đã được cách ly tại cơ sở y tế từ trước.
Ngày 3/2/2020 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm xác định nCoV mặc dù bệnh nhân N. T. N không có biểu hiện triệu chứng gì. Kết quả tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy bệnh nhân dương tính với virus corona.
Sau khi công bố trường hợp bệnh nhân này, dư luận cũng như giới chuyên môn đặt ra câu hỏi, liệu thời gian ủ bệnh có phải 14 ngày như các hướng dẫn trước đây hay không, hay thời gian ủ bệnh kéo dài hơn, biểu hiện bệnh bao gồm ho và sốt đã đúng chưa.
Tại Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị bệnh viêm phổi do virus corona tới bệnh viện tuyến huyện do Bộ Y tế tổ chức sáng nay 08/02 vấn đề trên đã được nhiều chuyên gia đưa ra thảo luận.
Nói về trường hợp ca bệnh thứ 13 biểu hiện không sốt, ho vẫn nhiễm virus corona, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết đây là một chủng virus mới, như ở Trung Quốc nhiều tử vong, nhưng Việt Nam chỉ có một ca nặng (bệnh nhân 66 tuổi người Trung Quốc), còn lại đa số biểu hiện nhẹ, vì thế bệnh cảnh rất đa dạng, có người bệnh nặng, có người nhẹ, ít biểu hiện, có khi chỉ hơi mỏi mệt.
Có bệnh nhân biểu hiện bệnh rầm rộ, rõ nét nhưng có người lại nhẹ như bệnh nhân Li Zichao (28 tuổi , bệnh nhân người Trung Quốc, trước đây có điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy) chỉ 2-3 ngày sau đã âm tính với virus.
"Những phát hiện này đều là rất mới với cả chúng tôi", PGS Khuê cho hay.
Theo đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phần lớn bệnh nhân nhiễm virus corona có biểu hiện nhẹ, trung niên và cao tuổi nguy cơ mắc bệnh hơn và ít ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, theo nghiên cứu của WHO có nhiều người có thể mắc bệnh do virus corona mà không có biểu hiện. Do đó cần chú trọng ngăn lây qua tiếp xúc, giọt bắn. Nên đứng cách xa nguồn lây từ 1-2 m để tránh nguy cơ nhiễm và chú ý che miệng khi ho hắt hơi.
Hình ảnh tại Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị bệnh viêm phổi do virus corona tới bệnh viện tuyến huyện do Bộ Y tế tổ chức sáng nay 08/02.
Còn theo chia sẻ của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cần thận trọng khi xem xét vấn đề "người nhiễm corona thứ 13 ở Việt Nam không hề có triệu chứng".
Theo bác sĩ Khanh, có thể là do người này phát bệnh nhẹ, triệu chứng không rõ ràng. Còn một điểm bất thường cần được xem xét là người này có thực sự bị lây bệnh từ Trung Quốc hay không, bởi bệnh nhân từ Vũ Hán về Việt Nam từ ngày 17/1, đến ngày 3-2 mới lấy mẫu là đã quá 14 ngày.
Trong trường hợp bệnh nhân này có là người lành mang bệnh hay bị nhiễm bệnh mà triệu chứng không đáng kể, khó nhận ra, có khi lại là một tin tốt. Bởi lẽ, có thể virus mới này đang dần "lành" hơn, có thể trong tương lai trở thành một bệnh cảm lạnh thông thường như nhiều virus corona khác.
Ngoài ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh vấn đề virus corona lây trong giai đoạn ủ bệnh" đang dần bị các chuyên gia thế giới phản bác.
Vị chuyên gia này phân tích: Một căn bệnh do vi trùng hay virus gây ra thường trải qua 5 giai đoạn chính: Ủ bệnh (không lây lan bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng); tiền chứng (không rõ triệu chứng nhưng đã lây bệnh), khởi phát (bắt đầu sốt nhẹ, ho nhẹ); toàn phát (sốt nhiều, ho nhiều, khả năng phát tán virus nhiều) và hồi phục (hết dần triệu chứng và virus, sau đó hết bệnh).
Vì vậy, bệnh rất có thể lây trong giai đoạn "tiền chứng" 1-2 ngày chứ không phải lây giai đoạn ủ bệnh. Điều này cũng giống với các virus gây bệnh thủy đậu, rubella, quai bị…
Theo BS Khanh, nếu thực hiện tốt vệ giám sát cách ly dồng thời người bệnh có trách nhiệm với bản thân gia đình và cộng đồng thì dịch bệnh corona sẽ được kiểm soát tốt.