Vệ sĩ Triều Tiên bảo vệ Kim Jong-un đeo kính râm trong nhà kể cả ban đêm
Khi bị bắt chuyện, vệ sĩ Triều Tiên ngay lập tức xua tay rồi lấy một chiếc kính râm ra đeo dù họ đang ở trong nhà vào ban đêm.
Vào đêm thứ hai phóng viên Reuters ở khách sạn St. Regis tại Singapore, nơi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nghỉ lại, một vệ sĩ của Kim ngồi cạnh cô ở sảnh và mỉm cười.
Đó là một khoảnh khắc ấm áp thoáng qua từ các vệ sĩ của Kim, những người theo dõi khách sạn St. Regis ngày và đêm, tránh giao tiếp ánh mắt với hàng trăm nhà báo và khách tò mò muốn thấy lãnh đạo bí ẩn này.
Nghĩ rằng cô có cơ hội tìm hiểu thêm về chuyến đi của Kim, phóng viên Fathin Ungku bắt chuyện với vệ sĩ. Tuy nhiên, anh ngay lập tức xua tay rồi lấy một chiếc kính râm ra đeo dù họ đang ở trong nhà vào ban đêm.
Đối với 6 phóng viên Reuters đi đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim, nơi ở của họ trong ba ngày là sảnh lát đá cẩm thạch màu kem của khách sạn St. Regis. Hiếm khi có nhà báo phương Tây nào được đến gần Kim, chứ chưa nói đến là ở trong cùng tòa nhà.
Tuy nhiên, các phóng viên liên tục bị theo dõi bởi các vệ sĩ Triều Tiên, nhân viên khách sạn và cảnh sát Singapore, những người có nhiệm vụ đảm bảo các nhà báo không đến gần các lãnh đạo Triều Tiên, đặc biệt là Kim Jong-un.
Dàn cận vệ thường diện suit. Ảnh: AFP
Họ bị cấm chụp ảnh. Chỉ khoảng một chục nhân viên truyền thông nhà nước Triều Tiên tháp tùng Kim Jong-un không cần chấp hành quy tắc này.
Nhóm phóng viên Reuters đã túc trực ở sảnh khách sạn và các điểm khác rất lâu, khiến các vệ sĩ biết được rằng vài người trong số họ hiểu được tiếng Triều Tiên. Vì vậy, khi thấy họ đứng gần, vệ sĩ Triều Tiên hạ giọng khi nói chuyện với nhau hoặc đi ra chỗ khác để các phóng viên không nghe thấy họ nói gì.
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2013, Ri Yong Guk, một người đào tẩu Triều Tiên từng nằm trong đội an ninh bảo vệ cố lãnh đạo Kim Jong-il, cho biết có 6 lớp an ninh khác nhau bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên trong các chuyến đi thị sát các đơn vị quân sự, nhà máy hoặc nông trại trong nước.
So với các cố lãnh đạo Triều Tiên, việc bảo đảm an toàn cho nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un thậm chí còn chặt chẽ hơn.
Trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập quân đội Triều Tiên hồi tháng 2, Bình Nhưỡng đã phô diễn sức mạnh của 3 đơn vị an ninh chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ ông Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng thường xuyên được nhìn thấy được hộ tống bởi một viên tướng mặc quân phục và mang súng ngắn bên người.
Các nhân viên đều sử dụng tai nghe liên lạc nội bộ. Ảnh: Reuters
Trước đó, hình ảnh dàn vệ sĩ bao thành vòng tròn, chạy bộ theo xe ô tô của ông Kim Jong-un cũng gây chú ý. Họ tạo thành vòng tròn bao quanh ông Kim và được tuyển chọn từ các binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ trong Quân Đội Nhân dân Triều Tiên (KPA). Các tiêu chí lựa chọn bao gồm thị lực tốt và phải có chiều cao tương đương với nhà lãnh đạo.
Những binh sĩ này bắt buộc phải có một số thành tích cụ thể hoặc các kĩ năng tốt, ví dụ như tài thiện xạ và võ thuật. Cuối cùng, họ phải trải qua quá trình điều tra lý lịch gia đình gắt gao. Nhiều nhân sự tại Trụ sở Sĩ quan hành chính có liên hệ với gia đình họ Kim hoặc tầng lớp ưu tú tại Triều Tiên.
Sau khi được chọn, các vệ sĩ tham gia vào chương trình huấn luyện chuyên sâu. Họ được đào tạo tương tự như lực lượng đặc nhiệm của KPA với kĩ năng sử dụng súng ngắn, kỹ thuật tránh đòn và nhiều loại võ thuật khác. Để trở thành cận vệ của ông Kim, họ phải đương đầu với những thử thách về sức chịu đựng cơ thể, nâng cao phản xạ và các cuộc tập luyện thể lực khắc nghiệt.
Dàn vệ sĩ tạo thành vòng tròn bảo vệ 360 độ bao quanh nhà lãnh đạo để đảm bảo rằng những người đến gần và địa điểm xung quanh đều nằm trong tầm quan sát. Chạy phía trước là 3-5 vệ sĩ bao gồm chỉ huy Trụ sở Sĩ quan hành chính. Khoảng 4-6 người sẽ túc trực hai bên ông Kim, theo sau là 4-5 vệ sĩ khác.
Đội cận vệ quyền lực này là những công dân Triều Tiên duy nhất được phép mang súng đã lên đạn khi đi bên cạnh nhà lãnh đạo. Mỗi người thường mang theo một khẩu súng ngắn bán tự động và vũ khí dự phòng.