Uống thuốc giải rượu có tốt không? Lợi hay hại cho sức khỏe?

24-07-2023 16:54:59

Say rượu chắc hẳn là trạng thái mà hầu hết chúng ta không ai mong muốn xảy ra. Vì tình trạng này không chỉ khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, mệt mỏi mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn của chính bản thân và những người xung quanh. Do đó nhiều người đã tìm đến thuốc giải rượu để loại bỏ những tác động tiêu cực do

I - Thuốc giải rượu có công dụng gì?

Thuốc giải rượu thực chất là một loại thực phẩm chức năng chứa các thành phần chính như glucose, vitamin B1, B6, PP, axit glutamic, axit succinic, các hợp chất bảo vệ gan…

Công dụng chính của thuốc giải rượu là:

  • Hỗ trợ quá trình chuyển hóa rượu thành các chất không độc như nước và CO2 để dễ dàng thải trừ ra ngoài.
  • Hạn chế rượu chuyển thành acetaldehyde và đào thải chúng ra ngoài. Đây là chất độc đối với cơ thể gây ra tình trạng say xỉn và ngộ độc rượu.

Do đó các viên giải rượu giúp quá trình chuyển hóa rượu diễn ra nhanh, hạn chế những tác động xấu của rượu bia đến sức khỏe người dùng.

Tuy nhiên, không vì thế mà ỷ lại tác dụng của những sản phẩm giải rượu vì nếu bạn uống rượu nhanh và nhiều thuốc giải rượu sẽ không kịp hóa giải hết các chất độc do rượu tạo thành nên vẫn có thể gây ra tình trạng say xỉn hoặc ngộ độc rượu.

II - Uống thuốc giải rượu có an toàn cho sức khỏe không?

Cơ thể chúng ta có ba con đường chính để chuyển hóa rượu là: Gan, tuyến mồ hôi và hệ hô hấp. Trong đó có tới 90% lượng rượu được chuyển hóa ở gan nhờ 2 enzym chính là alcohol dehydrogenase và aldehyde dehydrogenase. Hai enzym này giúp rượu được chuyển hóa nhanh hơn từ đó tránh được ảnh hưởng của rượu lên cơ cơ thể.

Các loại thuốc giải rượu bia giúp tăng cường chức năng cho hai loại men gan trên để quá trình chuyển hóa rượu diễn ra nhanh hơn từ đó tránh cảm giác khó chịu, nôn nao giúp bạn tỉnh táo nhanh hơn.

Tuy nhiên, gan chỉ sản xuất được một lượng enzym nhất định trong một khoảng thời gian. Nếu bạn uống quá nhiều rượu, gan sẽ không kịp sản xuất đủ enzym để chuyển hóa rượu. Lúc này nếu bạn vẫn cố chấp uống thuốc giải rượu sẽ không có tác dụng thậm chí còn gây độc cho gan và ảnh hưởng tới tính mạng.

Dưới đây là những ảnh hưởng của thuốc giải rượu đến sức khỏe nếu bạn thường xuyên uống thuốc giải rượu hoặc uống nhiều:

  • Tăng men gan (ALT, AST).
  • Giảm các hoạt chất có chức năng bảo vệ gan như glutathione.
  • Gây viêm gan, hoại tử gan.
  • Làm tăng tổng hợp axit béo trong gan, làm nguy cơ gan nhiễm mỡ.
  • Bào mòn đường tiêu hóa gây viêm loét, nguy hiểm hơn là tử vong do gan không thể lọc chất độc kịp thời, khiến rượu được giữ lại ở ruột.

Nếu bạn đang có ý định sử dụng thuốc giải rượu cho các buổi tiệc tùng, nhậu nhẹt phải sử dụng đúng liều lượng cho phép và không được lạm dụng sử dụng thuốc giải rượu thường xuyên để tránh gây ra những hậu quả không mong muốn.

III - Những ai không nên uống thuốc giải rượu?

Thuốc giải rượu là thứ không phải ai cũng sử dụng được. Đặc biệt, những trường hợp sau cần tránh xa:

  • Người bị dị ứng với một hoặc một số thành phần trong thuốc giải rượu.
  • Phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ.
  • Người bị men gan cao.
  • Người bị suy gan, suy thận nặng.
  • Người có vấn đề về dạ dày, tá tràng như bị viêm, loét.

IV. Những phương pháp an toàn thay thế thuốc giải rượu

1. Uống vừa phải

Nên uống rượu vừa phải và biết điểm dừng. Tốt nhất nên tránh xa rượu, nếu phải uống hãy hạn chế tối đa nhất có thể. Thay vì uống thuốc giải rượu có thể thay thế bằng các biện pháp dân gian như uống nước chanh mật ong, nước sắn dây… để giảm phần nào tình trạng say rượu.

2. Uống nước sắn dây

Sắn dây có tính bình, vị ngọt, có tác dụng làm mát cơ thể, giải độc. Vì vậy, uống nước sắn dây để giải rượu cũng đem lại hiệu quả rất tốt. Bạn thực hiện bằng cách lấy một ít bột sắn dây đem pha với nước sôi để nguội, có thể bỏ thêm một chút muối rồi khuấy đều và uống để giải rượu.

3. Lấp đầy dạ dày

Việc lấp đầy dạ dày giúp quá trình hấp thu rượu diễn ra chậm hơn. Từ đó làm giảm những tác hại do rượu gây ra. Vì vậy, hãy chú ý ăn uống đầy đủ trước khi uống rượu, đặc biệt nên ăn những thức ăn có chứa dầu mỡ để tạo một lớp màng chất béo hạn chế rượu hấp thu vào cơ thể từ dạ dày.

Những món ăn làm chậm nhu động ruột cũng làm giảm hấp thu rượu như: Canh chua, dưa muối, nước chanh…

4. Hít thở sâu

Một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng 90% rượu được lọc bỏ bởi gan; 10% còn lại là qua đường nước tiểu, mồ hôi và đường thở. Việc chúng ta nói nhiều, hát hò, thở sâu… cũng làm giảm nồng độ cồn có trong cơ thể.

Thuốc giải rượu nếu sử dụng đúng đối tượng và liều lượng có thể giúp hạn chế được những tác hại xấu do rượu gây ra. Tuy nhiên đừng vì vậy mà làm dụng, sử dụng thuốc giải rượu thường xuyên làm ảnh hưởng tới sức khỏe nhé!

Ds Thúy Quỳnh
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //