Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, quản lý: Thành quả ban đầu

01-12-2024 17:13:05

Nỗ lực số hóa tại địa phương mang lại hiệu quả thiết thực, chất lượng dạy và học được nâng cao...

Mô hình lớp học thông minh tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông. Ảnh: Vân Anh

Ngành GD-ĐT TP Nam Định (Nam Định) là một trong những đơn vị tiên phong triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong dạy học và quản lý.

Lớp học thông minh

Trường Tiểu học Trần Nhân Tông nằm trong Đề án xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao của TP Nam Định, là đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm chuyển đổi số từ năm học 2023 - 2024. Hiện, trường có 2 lớp học thông minh ở khối lớp 2 và 3 với số lượng 80 học sinh. Các lớp học này đều kết nối mạng Internet tốc độ cao, có máy chiếu, bảng tương tác thông minh.

Cô Phạm Thị Yến - giáo viên Trường Tiểu học Trần Nhân Tông cho biết, thông qua hệ thống thiết bị học thông minh, câu trả lời của các em được đồng bộ lên bảng. Nhờ vậy, giáo viên lập tức nắm bắt được tiến độ hoàn thành và chất lượng câu trả lời của cả lớp.

Giáo viên cũng có thể chữa bài từ xa, hoặc chủ động chọn bài làm của một học sinh, trình chiếu lên bảng để chữa bài. Do bài làm của học sinh được đồng bộ liên tục lên hệ thống, giáo viên sẽ biết bạn nào đang yếu ở đâu, từ đó có biện pháp hướng dẫn học sinh ôn luyện. Trong cùng một tiết học, giáo viên có thể xây dựng được lộ trình học cá nhân hóa.

Theo cô Hoàng Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, giáo viên được lựa chọn dạy lớp thông minh đều có trình độ sư phạm, chuyên môn nghiệp vụ vững, khả năng ứng dụng thành thạo CNTT, các thiết bị thông minh trong giảng dạy. Đồng thời thường xuyên đổi mới hình thức dạy và học, sử dụng các phương pháp học mở. Tích cực hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu và khích lệ các em say mê khám phá kiến thức.

Tại Trường THCS Trần Bích San, học sinh không xa lạ với những tiết dạy học xuyên biên giới khi kết nối với học sinh các trường học ở quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hình thức tổ chức có thể là một lớp học kết nối với một lớp học, hoặc một lớp học kết nối với nhiều lớp học; mời chuyên gia các nước về một lĩnh vực nào đó tham dự tiết học.

“Công nghệ đã xóa khoảng cách địa lý. Qua tiết học xuyên biên giới, học sinh được rèn luyện nhiều nhất về khả năng nghe - nói tiếng Anh, tự tin trong giao tiếp. Những giờ học trực tuyến đã tạo ra không gian học tập sôi động, nơi học sinh các nước cùng nhau khám phá điều mới lạ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và mở rộng hiểu biết về văn hóa đất nước”, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa - giáo viên Trường THCS Trần Bích San chia sẻ.

Tiết học về các lễ hội truyền thống, văn hóa của Việt Nam, Nhật Bản tại Trường THCS Trần Bích San. Ảnh: Vân Anh

Đẩy mạnh “số hóa” toàn diện

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục từ chuyển đổi số, các trường đã năng động, thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi cách thức quản lý, giảng dạy, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, nhiệm vụ quen thuộc đối với học sinh trước khi vào lớp là kiểm tra sĩ số. Các em điểm danh bằng vân tay hoặc thẻ học sinh tại 1 trong 8 máy lắp đặt trong trường. Thông tin về sĩ số từng lớp được cập nhật ngay, giúp ban giám hiệu có thể quản lý, giám sát học sinh một cách hiệu quả.

“Thay vì cử cán bộ bộ phận văn phòng đi đến từng lớp để kiểm kê thì bây giờ nhà trường có thể nắm được sĩ số học sinh chỉ trong một thao tác. Thậm chí, học sinh đến trường vào giờ nào, bố mẹ cũng nhận được tin báo ngay sau khi các em điểm danh bằng thẻ hay vân tay.

Hằng ngày, tuần, tháng, trường đều có thể tổng hợp ngay về mặt sĩ số, kết quả này cũng tự đồng bộ vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục…”, cô Hoàng Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông cho biết thêm.

Số hóa còn giúp giảm bớt công việc cho giáo viên. Trước đây mỗi lần lên lớp, giáo viên Trường THCS Trần Bích San mang nhiều tài liệu, giáo án, sổ sách. Giờ đây, 100% giáo viên nhà trường sử dụng giáo án điện tử và ký số. Hoạt động quản lý, dạy học của giáo viên chủ yếu thao tác trên phần mềm. Không chỉ tiết kiệm giấy mực in, thời gian, những phần mềm có nhiều tính năng nổi trội đã giúp việc dạy, quản lý học sinh dễ dàng và hiệu quả hơn.

Em Đinh Tuấn Trung - lớp 7A1, Trường THCS Trần Bích San chia sẻ: “Khi học các tiết học có ứng dụng CNTT, chúng em cảm thấy hứng thú. Những hình ảnh, video, âm thanh sống động chân thực, kích thích sự hứng thú học tập và tư duy sáng tạo, khiến những vấn đề trừu tượng trở nên dễ hiểu hơn. Nhờ đó, việc tiếp thu bài học dễ dàng”.

Tương tự, Trường THCS Trần Đăng Ninh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để đổi mới công tác quản lý. Nhà trường đã áp dụng các phần mềm quản trị trường học, triển khai sổ điểm, học bạ điện tử. Giáo viên đều được cấp chữ ký số. Nhà trường triển khai thu dịch vụ giáo dục theo hình thức không dùng tiền mặt và 100% phụ huynh đều đồng tình thực hiện.

“Cán bộ, giáo viên nhà trường đã tự thiết kế các phần mềm để khai thác kiến thức trong nội dung môn học đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát huy tối đa các ưu điểm, tiện ích của thiết bị dạy học số như sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi; không cần đến thiết bị dạy học trực quan trong điều kiện thiết bị dạy học còn thiếu thốn”, cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đăng Ninh nói.

Trưởng phòng GD&ĐT TP Nam Định Nguyễn Thế Lâm cho biết: Thời gian tới, ngành GD-ĐT thành phố chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT mới... hướng đến xây dựng trường học thông minh, nâng cao chất lượng dạy và học, giữ vững thành tích một trong những đơn vị dẫn đầu tỉnh về chất lượng giáo dục.

Vân Anh
Theo Giáo dục & Thời đại //