Ủ hóa chất 'biến' khoai mì thành đông dược
Sau gần 1 tháng điều tra, PV Thanh Niên đã bóc trần một quy trình hãi hùng bào chế đông dược giả: xông, ủ hóa chất có độc hại để “biến” khoai mì thành vị thuốc hoài sơn.
Ủ hóa chất 'biến' khoai mì thành đông dược
Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đường dây nóng Báo Thanh Niên tiếp nhận phản ánh của người dân về nhiều cơ sở ở ấp Bến Đình (xã Phú Đông, H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) chế biến củ mì (sắn) sử dụng hóa chất gây ô nhiễm, người hít phải thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn… Từ phản ánh này, PV Thanh Niên đã vào cuộc.
Thủ phủ hoài sơn giả
Một ngày đầu tháng 2.2018, PV Thanh Niên có mặt tại ấp Bến Đình, dọc hai bên đường Trần Văn Trà có hàng loạt bãi phơi khoai mì. Mỗi bãi rộng hàng ngàn mét vuông, khoai mì nguyên củ (đã được cạo sơ vỏ) hoặc xắt lát phơi trên những tấm bạt mỏng dưới mặt đất, nhiều tấm rách nát, bám đất cát đen sì cùng nhiều đống khoai mì phủ bạt kín mít.
Quanh bãi phơi, rác, củ mì hư thối vương vãi khắp nơi... “Những hộ dân ở đây làm nghề này lâu rồi. Họ mua khoai mì ở H.Long Thành (Đồng Nai), chở về bằng các xe tải lớn…”, bà H. (ngụ ấp Bến Đình, xã Phú Đông) cho hay.
Theo hướng dẫn của người dân, PV đến một căn nhà mặt tiền đường Trần Văn Trà rộng hàng ngàn mét vuông, được chia làm đôi: một bên là cơ sở bào chế và một bên vừa phơi vừa ủ khoai mì.
Cặp theo con hẻm bên hông nhà có 3 - 4 cơ sở liền kề cũng bào chế khoai mì, đối diện là khu đất trống hàng ngàn mét vuông phơi, ủ khoai. Xung quanh, hàng chục hộ gia công xắt lát, gọt khoai mì... cho các cơ sở bào chế.
Xe máy, xe ba gác liên tục ra vào chở khoai mì. Bà D., một hộ gia công khoai mì, cho biết: “Tôi nhận khoai mì củ được chẻ sẵn làm 2, 3, 4 của bà M. về cắt, gọt sao cho giống hình dạng hoài sơn (một vị thuốc đông y) với tiền công 1.000 đồng/kg; còn xắt lát khoai mì củ khỏe hơn nhưng tiền công chỉ 20.000 đồng/bao 60 kg”.
Để tiếp cận chủ cơ sở, chúng tôi nói muốn mua số lượng lớn hoài sơn đưa về miền Trung bỏ mối. Bà D. liền gọi điện cho bà M. Vài phút sau, bà M. tới dẫn chúng tôi vào cơ sở sản xuất.
Đó là cơ sở nằm cuối dãy cùng trong hẻm. Tại đây, ông T., con trai bà M., nói thẳng: “Ở đây không có hoài sơn thật mà chỉ có hoài sơn giả làm từ khoai mì, khoai từ, trong đó khoai từ giả hoài sơn là giống nhất. Khoai mì được bào chế giả hoài sơn bán trong nước, còn khoai từ được bào chế hoài sơn giả chỉ để xuất khẩu. Mỗi tháng tôi làm 100 tấn khoai mì tươi, ra thành phẩm vài chục tấn hoài sơn”.
Thấy chúng tôi lo ngại lấy hàng về bán không kịp có thể bị mốc, ông T. cam kết: “Hàng tôi được xông, ủ thuốc đến 3 lần, để cả năm trời vẫn trắng tinh, không bị mốc. Đã xông 3 lần thuốc, phơi nắng như vậy đảm bảo không bao giờ bị mốc, trừ khi đụng nước. Với kinh nghiệm của gia đình hơn 20 năm trong nghề, tôi bảo đảm hàng không bao giờ bị mốc, nếu mốc tôi sẵn sàng nhận lại hàng, thối tiền lui”.
Đập lưu huỳnh đóng cục để xông khoai mì ẢNH: TIỂU THIÊN - ĐÀM HUY
Quy trình “hô biến”
Thuốc mà ông T. nhắc tới, sau nhiều ngày tìm hiểu chúng tôi xác định là lưu huỳnh. Đây cũng chính là hóa chất mà người dân phản ánh có mùi hắc, gây chóng mặt, buồn nôn… khi các cơ sở chế biến khoai mì sử dụng.
Theo tìm hiểu của PV, hoài sơn là củ mài (mọc trong rừng) sấy khô, có màu trắng tinh. Trong khi đó, khoai mì có màu trắng ngà. Điểm khác biệt dễ thấy nữa là củ mài ruột đặc, không có “dây tim” như khoai mì... Vậy quy trình xông, ủ thuốc để “biến” khoai mì thành hoài sơn ra sao?
Ông T. trong một lần tiết lộ: “Khoai mì tươi mua về đưa cho nhân công gọt sơ vỏ bên ngoài rồi xông lưu huỳnh nhiều ngày liền, củ khoai mì rút hết nước, trắng tinh thì tim khoai cũng tan luôn. Xông xong đợt 1, đem đi phơi 20 nắng (tức phơi 20 ngày dưới nắng - PV).
Sau đó, xông lưu huỳnh lần thứ hai để trữ (tránh bị mốc) bán quanh năm suốt tháng. Khi có khách đặt hàng hoài sơn, lấy khoai mì trữ ra cạo rửa sạch, xắt lát, rồi xông lưu huỳnh lần thứ 3, phơi khô và giao hàng”. Ông này còn nhấn mạnh, trong 3 lần xông, lần xông đầu đóng vai trò quyết định, nếu không có kinh nghiệm thì lô hàng còn ẩm cao sẽ bị hư, làm lỗ vốn.
Chúng tôi hỏi nguồn gốc lưu huỳnh để xông ủ vì lo ngại lưu huỳnh kém chất lượng thì hàng mua về sẽ bị mốc, người đàn ông này không nói nơi bán, mà vào kho kéo ra một bao tải 50 kg, hốt một nắm bột màu vàng đưa cho chúng tôi xem: “Hàng chục năm nay, nhà tôi mua lưu huỳnh của công ty quen, uy tín lắm.
Nếu tôi mua lưu huỳnh kém chất lượng thì khoai mì làm sao rút nước khô ráo, bột, trắng như vậy được”. Khi PV đề nghị được tận mắt chứng kiến quy trình xông ủ lưu huỳnh trước khi lấy hàng thì ông T. từ chối.
Đổ lưu huỳnh vào lon, thêm dầu. ẢNH: TIỂU THIÊN - ĐÀM HUY
Những bãi xông ủ khổng lồ
Không tiếp cận được theo đường “chính ngạch”, sau nhiều ngày theo dõi, trưa 27.2.2018 PV bí mật bám theo một xe ba gác chở khoai mì từ trong khu vực có cơ sở của bà M. Xe ra đường Quách Thị Trang, đi về hướng trung tâm H.Nhơn Trạch, rồi chạy vào đường nội bộ cụm công nghiệp Phú Thạnh - Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Sau khi chạy lòng vòng, xe rẽ vào một bãi đất trống rộng hàng chục ngàn mét vuông giữa cụm công nghiệp. Các lô đất này đã có chủ nhưng chưa được đầu tư xây dựng nhà máy nên các cơ sở ở xã Phú Đông tận dụng biến thành nơi phơi khoai mì. Khoai mì củ, khoai mì xắt lát được kéo bạt phơi, trải dài hàng trăm mét.
Xung quanh, hàng trăm bao tải khoai mì củ đã được phơi khô chất thành đống. Cạnh đó, hàng chục đống khoai mì được phủ bạt kín mít, đang trong quá trình xông lưu huỳnh. Thậm chí, các con đường nội bộ cụm công nghiệp cũng được trưng dụng phơi khoai mì cắt lát…
Đặt lưu huỳnh vào giữa đống khoai mì củ, sau đó đốt xông, ủ ẢNH: TIỂU THIÊN - ĐÀM HUY
PV tiếp cận làm quen một người đàn ông trạc 50 tuổi, tên K., đang dùng khúc gỗ lớn đập mạnh vào bao tải bột màu vàng. Ông K. giải thích sự tò mò của chúng tôi: “Bao tải này là lưu huỳnh, dùng xông khoai mì để hút nước củ khoai, không bị mốc, làm trắng, tiêu xơ, tim khoai mì để giả hoài sơn. Lưu huỳnh này mua ở Sài Gòn.
Do để lâu nó đóng cục, đốt không được nên tôi phải đập cho nhỏ ra thành bột”. Chỉ về đống khoai mì được ủ bạt cách chòi khoảng 100 m, ông K. tiết lộ quy trình xông ủ: “Mì tươi mua về mình bào sơ sơ kiểu sọc dưa rồi chất đống.
Sau đó khoét nền đất một lỗ ở giữa đống mì, bỏ lưu huỳnh vào lon sơn loại nhỏ (loại 1 - 3 kg - PV), đốt lên, phủ bạt kín cho mì “hút” thuốc vô rồi đem ra phơi nắng. Khoảng một tấn thì dùng cỡ 4 lon bột lưu huỳnh, đốt 8 đợt trong 4 ngày liên tục suốt ngày đêm. Sau khi đốt, đem mì củ ra phơi nắng hơn hai tuần cho khô, cho vào bao tải chở về. Làm ở đây có 4 cơ sở nhưng anh chị em trong nhà, ai cũng làm như vậy cả”.
Cách khu vực phơi khoai mì của ông K. khoảng 300 m là bãi phơi của bà U. cũng ở xã Phú Đông. Lúc đó, một thanh niên vào ca thay lưu huỳnh ủ mì. Người này một tay xách bao lưu huỳnh, một tay xách bao vỏ lon, lần lượt tới từng đống mì mở bạt, lấy vỏ lon (đã cháy hết lưu huỳnh sau một đêm) xúc lưu huỳnh bột bỏ vào, thêm một chút dầu rồi đốt.
Khói lưu huỳnh bốc lên mùi hăng hắc khiến chúng tôi ho sặc sụa, chảy nước mắt, khó thở, đau đầu kinh khủng... Sau đó, anh ta đặt lon lưu huỳnh đang cháy vào lại đống mì và kéo bạt phủ kín.
“Củ khoai mì này làm thuốc bắc. Thuốc bắc mình uống có vị này đó. Còn lon này là thuốc xông mì làm trắng củ khoai, chống bị mốc”, người thanh niên giải thích khi chúng tôi tò mò hỏi “đốt cái này làm gì”.
Quan sát quanh đống khoai mì, chúng tôi còn phát hiện có 2 bao tải lưu huỳnh để sẵn, chuẩn bị xông mẻ khác… Cạnh đó, lưu huỳnh đóng cục vương vãi khắp nơi trên nền đất.
Lưu huỳnh vón cục vương vãi khắp nơi tại “lò” xông. ẢNH: TIỂU THIÊN - ĐÀM HUY
Cũng tại bãi phơi khoai mì của bà U., trong nhiều giờ liền, xe ba gác liên tục đến chở khoai mì củ đã phơi khô về cơ sở để bào chế... Bãi phơi vừa trống chỗ được vài phút thì có ba xe máy cày chở đầy khoai mì tươi đến đổ.
Hai nhóm nhân công gần chục người được thuê xúm vào cạo vỏ cho kịp xông ủ lưu huỳnh mẻ khoai mì mới. Theo tìm hiểu của PV, một ký khoai mì tươi giá chỉ vài ngàn đồng, sau những công đoạn xông, ủ hóa chất lột xác thành hoài sơn giả bán với giá hàng chục ngàn đồng/kg.
Vậy hoài sơn giả được đưa đi tiêu thụ ở những đâu?
Lưu huỳnh tích lũy nhiều sẽ gây ung thư Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa (ngụ Q.3), hoài sơn hay còn gọi sơn dược, là thân rễ của cây củ mài. Cây củ mài là một loại dây leo trên mặt đất, có thân củ. Củ mài có dạng hình trụ thẳng hay cong, có thể dài 1 m, đường kính từ 2 - 10 cm với nhiều rễ con. Củ mài mọc hoang ở khắp vùng rừng núi, nhiều nhất ở một số tỉnh phía bắc. Ngoài tinh bột, củ mài còn có chất muxin, allantoin, axit amin, acginin, cholin, men tiêu hóa mantoza… Củ mài sau khi đào lên, cạo vỏ, sấy khô bào chế thành vị thuốc bổ mang tên hoài sơn với công dụng như: bồi bổ tỳ vị, tăng cường chức năng tiêu hóa; bổ thận; bổ phổi, điều trị các chứng ho hen; sinh tân dịch, cân bằng âm dương trong cơ thể; điều trị xuất tinh sớm và bệnh tiểu đường… Ngoài là vị thuốc đông y chữa trị nhiều loại bệnh, hoài sơn không thể thiếu trong món gà tiềm thuốc bắc, lẩu dê… Do củ mài tự nhiên mọc trên rừng, năng suất thấp nên không đủ cung cấp cho thị trường, từ đó dẫn đến tình trạng làm giả hoài sơn. Dược sĩ Lê Kim Phụng, Khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng việc dùng lưu huỳnh xông, ủ khoai mì để làm giả hoài sơn không chỉ đe dọa sức khỏe người sản xuất, mà còn đe dọa sức khỏe người sử dụng phải loại hoài sơn giả này. “Nhiều nhà thuốc sử dụng lưu huỳnh xông đông dược để chống mối mọt, ẩm mốc; đồng thời giúp đông dược dẻo, mềm mại, làm dược liệu trắng sáng và đẹp hơn. Tuy nhiên, chất này nếu tích lũy nhiều trong cơ thể sẽ gây ung thư”, dược sĩ Phụng cảnh báo. |
Xem thêm: Đông y Bà Vân bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng dễ ăn nhầm trái đắng