Tuyển sinh đại học năm 2021: Cách nào tăng tỉ lệ đỗ?
Hiện nay các trường đại học (ĐH) sử dụng đa dạng các hình thức xét tuyển. Thí sinh cần tối ưu hóa các phương thức, tránh tình trạng 1 ngành xét tuyển bằng nhiều phương thức, nhưng thí sinh lại chỉ tham gia theo 1 phương thức sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ từ đề án tuyển sinh của nhà trường trước khi đăng ký nguyện vọng.
Chọn ngành rồi mới chọn trường
Không chờ đến mùa tuyển sinh, các trường phổ thông, trường ĐH đã tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp ngay từ đầu năm học để thí sinh sớm xác định được nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thí sinh đến sát ngày hết hạn điền nguyện vọng vẫn băn khoăn chưa biết nên đăng ký trường gì, ngành gì, thứ tự nguyện vọng ra sao.
TS Lê Đình Nam, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết phần lớn các thí sinh chưa có đủ thông tin về các ngành nghề trước khi đăng ký xét tuyển. Nhiều em khi tìm đến các thầy cô để tư vấn chưa hề có bất cứ một thông tin hay định hướng ngành nghề nào. Câu hỏi đặt ra thường chỉ dừng lại ở mức chung chung. Chính vì vậy, để tư vấn được đúng ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực và điều kiện gia đình của mỗi thí sinh là không đơn giản và cần phải có thời gian.
Trong thời gian ngắn, TS Nam khuyên thí sinh nên chọn ngành rồi mới chọn trường. Trong các khối ngành, nên chia nhỏ thành các khối ngành chính, trong các khối ngành chính chọn ra ngành mà mình yêu thích, có năng thiếu… Sau khi chọn ngành, thí sinh cần tìm hiểu về các cơ sở đào tạo ngành này để chọn ra các trường phù hợp bởi cùng là đào tạo công nghệ sinh học chẳng hạn, mỗi trường lại có thế mạnh riêng.
Chia sẻ quan điểm này, GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng quản lý đất đai là một trong những ngành học luôn thu hút sự quan tâm của thí sinh. Nhiều trường tuyển sinh ngành học này như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Tài Nguyên môi trường, ĐH Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam…
Mỗi trường có chương trình đào tạo khác nhau, dẫn đến cơ hội việc làm sau khi ra trường, mức lương, đãi ngộ… khác nhau. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ từ đề án tuyển sinh của nhà trường, thông tin từ thầy cô, kinh nghiệm của các sinh viên đã và đang học tập tại trường thông quá các diễn đàn hội sinh viên từng trường.
Cơ hội từ việc sắp xếp đúng nguyện vọng
Khác với tuyển sinh vào lớp 10 THPT, theo quy định của Bộ GDĐT, điểm chuẩn các ngành không đổi theo thứ tự nguyện vọng (NV). Vì vậy, cơ hội của các thí sinh đăng ký ngành A ở NV1 và một thí sinh đăng ký ở NV thứ 10 là như nhau. Do đó, khi đăng ký NV thí sinh cần cân nhắc sắp xếp những NV thích hơn ở phía trên, những NV ít thích hơn ở phía dưới.
PGS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng thí sinh nên đặt NV 1 vào ngành mình yêu thích, sau đó lưa chọn thêm những NV an toàn hơn để đảm bảo cơ hội đỗ đại học. Bộ GDĐT không giới hạn NV đăng ký vì vậy các em nên dũng cảm đặt NV mình yêu thích lên hàng đầu.
Một trong những bí quyết khi viết NV đó là việc sắp xếp thứ tự bởi nó quyết định bạn sẽ học trường nào. Vì vậy, nên sắp xếp NV1 là ngành học và trường rất thích học và chắc chắn sẽ theo học nếu đỗ. Đừng để NV “chắc ăn” lên đầu.
Nhiều thí sinh rất thích một ngành nhưng vì quá lo sợ mà điền nó vào các NV dưới. Đến lúc xét tuyển mới biết ngành đó điểm mình có thể đạt được thì không được xét do đã trúng tuyển các ngành học (dù thấp điểm hơn) phía trên. Như vậy sẽ đầy nuối tiếc.
TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng lưu ý các thí sinh: Nguyên tắc xét tuyển ĐH chính là trúng ở đâu dừng ở đó, vậy nên thí sinh cần thận trọng khi đăng ký và điều chỉnh NV. Trong trường hợp kết quả thi sát với điểm chuẩn, thí sinh vẫn có thể đăng ký nhưng cân nhắc thêm các điều kiện phụ do mỗi trường thông báo, trong đó có thể có thứ tự NV.
Thực tế tuyển sinh đã cho thấy nhiều thí sinh sắp xếp NV không đúng với sở thích, năng lực, đến lúc đỗ rồi cũng không đăng ký nhập học, hoặc học một thời gian mới cảm thấy đã chọn nhầm trường. Do đó, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi điền NV, sau khi thi để nếu cần điều chỉnh NV là một công việc rất quan trọng không thể chủ quan “chọn bừa” hay chọn theo ý kiến của cha mẹ, chọn theo bạn bè mà không cân nhắc đến sở thích, điều kiện của bản thân và cả cơ hội việc làm sau khi ra trường.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra lời khuyên với các thí sinh: Khi chọn một ngành nghề theo sở trường, ngành mình mong muốn hướng đến thì sẽ có động lực cố gắng và khả năng thành công cao hơn so với việc chỉ chăm chăm chọn một ngành “có cơ hội việc làm”.