Tuyển sinh đại học 2021: Tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ
Thời điểm này các trường đại học (ĐH) đã bắt đầu công bố phương án xét tuyển 2021. Trong đó, nhiều trường ĐH ngoài công lập dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển ĐH bằng kết quả học bạ giúp thí sinh “thong thả” hơn trong cuộc đua mang tên thi tốt nghiệp sắp tới.
Ảnh minh hoạ
Tăng cơ hội vào ĐH
Năm 2021, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết dành tối đa 40% chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ THPT các năm. Trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển của 3 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 hoặc tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên.
ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) xét tuyển 6.600 chỉ tiêu trình độ ĐH chính quy cho 50 ngành đào tạo. Trong đó, với phương thức xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 hoặc 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12).
Đối với việc xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GDĐT và xét học bạ lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (thí sinh phải đạt học lực giỏi), trường dự kiến dành tối đa 5% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM tuyển sinh theo 3 phương thức. Theo đó, trường xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, điểm trung bình học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ II lớp 12) của từng môn từ 7 trở lên.
Trường ĐH Nha Trang tuyển sinh theo 4 phương thức với 3.500 chỉ tiêu. Ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, trường dành tối đa 25% tổng chỉ tiêu cho phương thức sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM năm 2021. Đối với kết quả xét học bạ, trường kết hợp 70% điểm thi tốt nghiệp THPT (tổng điểm 4 bài thi) và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 + điểm ưu tiên (nếu có).
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa- nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM cho rằng hiện nay các trường đều sử dụng đa dạng các phương án xét tuyển nên thí sinh dự định đăng ký trường nào, ngành nào cần theo dõi cụ thể trường đó, ngành đó. Với phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ, dù được áp dụng rộng rãi từ năm 2015, không ít thí sinh vẫn cảm thấy lạ lẫm trước phương thức xét tuyển này.
Trong các kỳ tư vấn tuyển sinh, vẫn có thí sinh đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa thí sinh xét tuyển học bạ và thí sinh đỗ ĐH bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc các phương thức khác. Trên thực tế, không có sự khác biệt vì đây đều là phương thức xét tuyển chính thống. Dù đậu ĐH theo điểm kỳ thi quốc gia hay bằng học bạ, khi đã nhập học, sinh viên hoàn toàn không có sự phân biệt về học phí, chất lượng chương trình hay bằng cấp được trao.
Không còn phải “giành giật” nhau từng tấm vé ĐH với chỉ tiêu ít ỏi, ngày nay, với hình thức xét tuyển bằng học bạ, cơ hội ĐH trở nên rộng mở cho bất cứ ai. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý không phải cứ học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt là chắc chắn đỗ trường ĐH mình mong muốn.
Bởi mỗi phương thức đều khống chế % chỉ tiêu đỗ nên cũng giống như xét điểm thi tốt nghiệp THPT, mỗi trường sẽ lấy kết quả từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Nên dù tự tin với bảng điểm đẹp như mơ của mình những năm lớp 10-11-12 thì thí sinh cũng cần lên kế hoạch ôn tập kỹ lưỡng, không được chủ quan vì cho rằng mình đã chắc chắn đỗ ĐH bằng việc xét học bạ.
Cẩn trọng với xét tuyển bằng học bạ
Bộ GDĐT đã báo cáo Thủ tướng về phương án thi, tuyển sinh năm 2021 và định hướng đến năm 2025 nhằm đảm bảo phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu hướng chung trên thế giới. Việc các trường công bố sớm chỉ tiêu cũng như các phương thức tuyển sinh là bước đi đúng đắn trong việc thu hút thí sinh đến với trường. Bởi trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh hiện nay, việc công khai minh bạch thông tin là cần thiết, đảm bảo cho thí sinh được quyền chủ động chọn trường, chọn phương thức xét tuyển phù hợp.
Đơn cử như mùa tuyển sinh 2020, một số thí sinh vì không đọc kỹ đề án tuyển sinh của nhà trường nên đã đăng ký xét tuyển mà không hiểu, mình đã bị loại từ vòng sơ tuyển do điểm học bạ không đạt yêu cầu trường đề ra. Đến lúc công bố kết quả mới cay đắng nhận ra dù đủ điểm đỗ ĐH nhưng lại trượt vì điều kiện học bạ.
Không phải thí sinh nào cũng hoàn thành kỳ thi quốc gia với phong độ tốt nhất. Do đó xét tuyển dựa trên kết quả học tập lớp 12 hay cả 3 năm THPT sẽ giúp các sĩ tử được đánh giá toàn diện hơn. Đây cũng chính là cơ hội thứ 2 cho những thí sinh nổi trội với điểm số ổn định nhưng thể hiện không tốt trong phòng thi vì những lý do khách quan như sức khỏe, tâm lý, áp lực…Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh có thể tăng thêm cơ hội cho mình bằng việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng học bạ như một hình thức “giữ chỗ” ngay sau khi biết điểm tổng kết.
Trong đó, đọc kỹ đề án tuyển sinh là lưu ý của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT Mai Văn Trinh với các thí sinh để tới đây điền phiếu đăng ký chính xác. Cùng với đó là việc tham khảo điểm trúng tuyển vào các trường để tùy theo từng năng lực, nguyện vọng của mình, các em đăng ký dự thi vào trường ĐH phù hợp.
Về phía các trường, việc công bố công khai, đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường mình từ sớm để các em học sinh căn cứ vào đó lựa chọn cho mình ngành nghề phù hợp sẽ tránh được việc thí sinh sốc vì học phí sau khi nhập học. Hoặc có trường hợp thí sinh tìm hiểu không kỹ, sau khi học một thời gian mới “ngã ngửa” vì không như tưởng tượng.