Tự xông thuốc chữa bệnh, người phụ nữ bị bỏng loét nặng 'vùng kín'
Nghe lời người quen, bà N. tự xông hơi nhiều lần tại nhà để khối sa ở bộ phận sinh dục rút lên nhưng không may bị hơi nóng gây bỏng loét 'vùng kín'.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân bị bỏng loét 'vùng kín' do tự xông tại nhà. Ảnh: PN Online
Sáng 20/10, BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ cho Lao động biết, các bác sĩ đơn vị này vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị loét khối sa vùng sinh dục do tự ý xông thuốc tại nhà.
Theo đó, bệnh nhân là bà P.T.N. (66 tuổi, nhà ở Phú An, Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Bệnh nhân cho hay, bà đã cắt tử cung được hơn 14 năm. Khoảng 2 năm trở lại đây, khối sa ở vùng sinh dục của bà càng lúc càng tăng, gây khó khăn sinh hoạt, lao động hàng ngày.
Nghe lời người quen, bà N. tự xông hơi nhiều lần tại nhà để khối sa rút lên. Tuy nhiên, hơi nóng khi xông đã gây bỏng loét khối sa vùng sinh dục. Do khối loét lâu lành kèm với khối sa vẫn còn nên bà N. đã nhập viện Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ điều trị.
Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sa bàng quang độ 4, sa mỏm cắt âm đạo, loét khối sa do xông thuốc kèm bệnh đái tháo đường type 2 và chỉ định phẫu thuật. Ê-kip bác sĩ phẫu thuật do BS.CK2 Võ Hoàng Tâm tiến hành.
Ca phẫu thuật thành công sau 2h. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, không sốt, vết mổ khô, không còn khối sa ở vùng sinh dục, sinh hoạt gần như bình thường và đang được theo dõi điều trị tại bệnh viện.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh và không còn khối sa ở vùng sinh dục. Ảnh: Zing
Trao đổi với Zing, BS.CK2 Nguyễn Phước Lộc - Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ cho hay, sa tạng chậu là tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu khỏi vị trí bình thường qua âm đạo hoặc hậu môn (sa bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột và các mô liên kết) do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu, gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu, đại tiện.
Theo bác sĩ Lộc, khi mắc sa tạng chậu, người bệnh gặp nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý như xuất hiện khối phồng thò ra khỏi âm đạo; đau lưng dưới hoặc tức nặng vùng chậu; ra huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là ra huyết sau mãn kinh; són tiểu, tiểu khó, tiểu lắt nhắt, hay bị nhiễm trùng niệu tái phát; đại tiện khó, đại tiện tắc nghẽn.
Do đó, để tránh trường hợp đáng tiếc dẫn đến biến chứng nhiễm trùng vết loét gây nguy hại đến sức khỏe, bác sĩ Lộc khuyến cáo chị em phụ nữ cần có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ, rau quả ngăn ngừa táo bón; duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không để cơ thể béo phì; thực hành bài tập nhằm tăng cường sức co cơ sàn chậu và luyện cơ sàn chậu theo bài tập hướng dẫn.