Triều Tiên đích thực là đối thủ đáng gờm nếu Mỹ nhận ra lưới phòng không siêu cấp này
Trước khi Tổng thống Donald Trump quyết định có tấn công Triều Tiên hay không, Mỹ cần nhận ra rằng Bình Nhưỡng đích thực là một đối thủ đáng gờm.
Bên cạnh vũ khí hạt nhân, Triều Tiên hiện sở hữu các hệ thống phòng không được đánh giá là khá tiên tiến. Hơn nữa, Bình Nhưỡng còn đưa ra nhiều biện pháp để đối phó với bất kỳ cuộc không kích nào mà Mỹ có thể khởi động trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
“Trong giai đoạn 1950-1953, Không quân và Hải quân Mỹ đã có các chiến dịch nhằm san phẳng Triều Tiên, do đó người dân Triều Tiên hẵn đã có 65 năm bàn luận về cách thức làm cách nào để điều đó không tái diễn, trong đó có việc đào hàng loạt nơi trú bom và đường hầm” – Thiếu tướng Mỹ về hưu Mike McDevitt, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm phân tích hải quân (Mỹ), nhận định.
Bên cạnh việc củng cố hạ tầng, Bình Nhưỡng cũng đầu tư cho các hệ thống phòng không tiên tiến. Trong khi đa số hệ thống phòng không mà Triều Tiên hiện sở hữu là các hệ thống của Liên Xô trước đây, nước này cũng sản xuất các vũ khí nội địa có uy lực đáng gờm.
Một vụ thử tên lửa phòng không của Triều Tiên - Ảnh: AFP/KCNA
"Họ có tên lửa đất đối không của Liên Xô, như S-75, S-125, S-200 và Kvadrat, có thể hoạt động trong điều kiện cả tốt và xấu" - chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm nghiên cứu toàn diện Châu Âu và Quốc tế, Trường Kinh tế Mátxcơva, nói với tờ National Interest.
Theo ông Kashin, Triều Tiên từng tự sản xuất S-75, và hệ thống đó có thể đã được nâng cấp đáng kể. Ngoài ra, kể từ đầu những năm 2010, Triều Tiên bắt đầu triển khai hệ thống phòng không nội địa hiện đại được Mỹ và Hàn Quốc gọi là KN-06.
Hiện chưa rõ Triều Tiên có bao nhiêu hệ thống KN-06, nhưng vũ khí Triều Tiên là một hệ thống có khả năng đáng kinh ngạc, tương tự như phiên bản đời đầu của S-300 của Nga.
Mạng lưới phòng không tầm thấp của Triều Tiên cũng tương đối mạnh, dù nhiều hệ thống đã trở nên cũ kỹ. Họ sở hữu số lượng khổng lồ tên lửa vác vai (MANPAD) từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất. Bên cạnh đó là hàng nghìn khẩu pháo cao xạ với cỡ nòng từ 23 đến 57 mm.
Tên lửa phòng không Triều Tiên trong lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Internet
Không quân Triều Tiên (KPAAF) có quy mô lớn, sở hữu tới 940 máy bay các loại, xếp thứ 10 thế giới. Tuy nhiên, lực lượng này được trang bị chủ yếu những loại máy bay cũ có xuất xứ từ Liên Xô và Trung Quốc.
Loại máy bay hiện đại nhất trong biên chế KPAAF là tiêm kích MiG-29 với số lượng 16-35 chiếc. Triều Tiên sở hữu mẫu MiG-29B và MiG-29UB cơ bản, cùng khoảng 3 chiếc MiG-29S nâng cấp.
Máy bay của Triều Tiên được trang bị vũ khí chính là tên lửa tầm trung R-27R và tầm ngắn R-60MK, thay vì R-73 như các tiêm kích MiG-29 của nước ngoài. Một điểm yếu của phi đội MiG-29 này là khả năng sẵn sàng chiến đấu thấp, do không mua được phụ tùng thay thế. Bên cạnh đó, số giờ bay của phi công Triều Tiên cũng khá thấp so với Mỹ và Hàn Quốc.