Triệu chứng và cách xử lý khi bị nhiễm độc chì từ son môi

18-04-2017 10:44:33

Việc nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ về trường hợp một nữ MC bị nhiễm độc chì từ son môi đã khiến không ít chị em phải giật mình.

Nguyên nhân nhiễm độc chì

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hàm lượng chì trung bình của người Việt Nam là 20 mcg/dL, gấp đôi nồng độ cho phép trong cơ thể. Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, một số nguyên nhân gây ra nhiễm độc chì bao gồm:

Phụ nữ có thể bị nhiễm độc chì từ son môi

- Do môi trường xung quanh như không khí, nước, đất bị nhiễm chì.

- Do sử dùng một số bài thuốc dân gian như thuốc tưa lưỡi, thuốc cam,… lưu hành trái phép có chì.

- Do thực phẩm bị nhiễm chì, vật dụng đóng gói (đồ hộp có chất hàn gắn bằng chì), bát đĩa in hoa văn,…

- Do môi trường làm việc có nguy cơ bị nhiễm độc chì như sửa chữa, tái chế, sản xuất ắc quy; nung nấu hoặc tinh chế chì;…

- Do tiếp xúc với đồ chơi có đạn chì hoặc sơn chì.

- Do sử dụng mỹ phẩm, đặc biệt là nhiễm độc chì từ son môi.

Triệu chứng nhiễm độc chì

Trả lời câu hỏi nhiễm độc chì có nguy hiểm hay không, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, nhiễm độc chì là cảnh báo nguy hiểm cho cơ thể. Một khi đã bị nhiễm độc chì, để thải được lượng chì trong cơ thể ra ngoài không hề đơn giản và vô cùng tốn kém, càng để lâu càng nguy hại cho sức khỏe.

Do đó, cần phải sớm nhất biết các triệu chứng nhiễm độc chì để có biện pháp điều trị, xử lý nhanh và hợp lý. Khi bị nhiễm độc chì, trẻ em sẽ có các biểu hiện như chậm phát triển tinh thần, học kém, mất kỹ năng học, mất phối hợp, vô cảm, khó chịu, mệt mỏi, ít chơi, thái độ hành vi kỳ dị, liệt, ngủ lịm từng lúc, co giật, hôn mê,…

Triệu chứng nhiễm độc chì ở trẻ em và người lớn thường khác nhau

Khi trẻ có biểu hiện nặng lên thần kinh trung ương (co giật, hôn mê), gần 1/3 trong số này sẽ phải chịu các di chứng liệt, mù, co giật, chậm phát triển trí tuệ suốt đời. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị thiếu máu, chán ăn, đau bụng.

Ở người lớn, triệu chứng nhiễm độc chì gồm liệt, mất trí nhớ, đau đầu, co giật, hôn mê, dễ buồn ngủ nhưng lại hay mất ngủ, mê sảng, lẫn lộn, lơ mơ, thiếu máu, đau khớp, yếu cơ, đau cơ, đau bụng từng cơn, táo bón, chán ăn, miệng có vị kim loại. Ngoài ra, nhiễm độc chì ở người lớn còn làm giảm khả năng sinh đẻ, giảm ham muốn tình dục, tăng khả năng đẻ non, sảy thai, dị dạng thai, thai chậm phát triển,…

Cách giải độc chì

Trong trường hợp nghi ngờ bị nhiễm độc chì, phải đến bệnh viện ngay để làm xét nghiệm lâm sàng, xét nghiệm máu. Nếu xác định bị nhiễm độc chì, phải tìm ra và ngừng tiếp xúc với nguồn gây ngộ độc.

Tiếp đó, chữa trị các triệu chứng nhiễm độc chì như đã liệt kê ở trên; nếu hôn mê, co giật cần được cấp cứu; nếu thiếu máu nặng cần truyền máu; tẩy độc khi mới tiếp xúc với chì hoặc trong trường hợp chì còn sót lại trong đường tiêu hóa, trên mắt, da mà chưa hấp thu vào máu. Có thể tắm rửa bằng xà phòng, nội soi gắp chì, rửa ruột, rửa dạ dày.

Dùng thuốc giải độc chì (thuốc gắp chì) để đào thải độc tố qua đường nước tiểu. Quá trình điều trị bằng thuốc cần thời gian, có thể kéo dài hàng tháng tới hàng năm do chì thường gắn chặt vào xương. 

Quá trình điều trị bị nhiễm độc chì sẽ rất mất thời gian và tốn kém

Ngoài ra, thuốc gắp chì có thể gây ra tác dụng phụ như áp xe vị trí tiêm, đau, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, tăng thân nhiệt, ngứa ngáy; dùng cùng sắt có thể gây tê, buồn ngủ, nổi mề đay, tiêu chảy, nôn, làm hại thận. Khi xuất hiện tác dụng phụ, cần thông báo cho bác sĩ để có cách xử trí hoặc tạm ngưng dùng thuốc.

Mẹ bị nhiễm độc chì tốt nhất không nên cho con bú. Cần thực hiện xét nghiệm, nếu hàm lượng chì có trong sữa mẹ không đáng kể mới được cho trẻ bú. Phụ nữ bị nhiễm độc chì không nên có thai ngay mà phải chờ cho đến khi lượng chì trong máu hạ xuống mức cho phép là dưới 10 mcg/dL.

 

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus //