Trẻ có thể đang bị bệnh lao nếu xuất hiện triệu chứng này

23-11-2020 10:16:07

Bệnh lao là căn bệnh lây nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis. Trực khuẩn gây bệnh lao có thể tồn tại nhiều năm ở các mô sâu bên trong cơ thể trước khi chúng hoạt động và phát triển thành bệnh lao.

Đây là một căn bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, trẻ em có thể mắc phải bệnh lao khi chúng hít phải trực khuẩn lao trong không khí bị bắn ra từ người lớn bị lao khi họ ho, hắt hơi, khạc đờm hoặc nói chuyện. 

Những vi khuẩn gây lao thường tồn tại lơ lửng trong không khí khi được phát tán ra ngoài, trẻ chỉ cần không may hít phải một lượng nhỏ những vi khuẩn này cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Trẻ em khi bị nhiễm khuẩn lao, nó thường lây nhiễm vào phổi, sau đó có thể tấn công sang các bộ phận khác của cơ thể như thận, cột sống hoặc não, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Triệu chứng các bệnh lao ở trẻ nhỏ

Triệu chứng lâm sàng ở trẻ bị bệnh lao thường không đặc hiệu, và rất dễ nhầm với các bệnh lý khác. Cụ thể:

Lao sơ nhiễm

Các triệu chứng thường kín đáo, nếu có thường mệt mỏi, sốt về chiều nhiệt độ không cao, kém ăn, gầy yếu không tăng cân, ho khúc khắc kéo dài, hạch cơ ức đòn chũm sưng lớn, ban đỏ dạng nốt, viêm kết giác mạc. IDR dương tính, có tiếp xúc nguồn lây, X quang có hình ảnh lao sơ nhiễm.

Lao màng não

Bộc phát sau giai đoạn khu trú các củ lao tại não, củ lao vở vào màng não gây lao màng não. Diễn tiến qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn1: Khởi đầu thay đổi tính tình, nếu đi học thì học kém đi, chán ăn, buồn nôn, nôn, sốt. Từ 1 - 4 tuần sẽ xuất hiện các biểu hiện thần kinh của giai đoạn hai.

Giai đoạn 2: Trẻ kích thích, đau đầu, cứng cổ, Kernig, brudzinski, kèm các dấu liệt dây thần kinh sọ não (III,IV,VI,VII,VIII). Trẻ có thể nói lua, không nói được, mất định hướng, liệt nữa người, cử động bất thường và co giật .

Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn rối loạn chức năng não: bệnh nhi lơ mơ, hôn mê, hay có tư thế mất não hoặc bóc vỏ não, thở không đều, đồng tử dãn, nằm bất động.

Lao phổi và lao màng phổi

Các triệu chứng cũng thường kín đáo, nếu có biểu hiện như viêm phổi,sốt, ho, ho có đàm, gầy yếu sụt cân, không cải thiện với kháng sinh điều trị. Trong khi đó lao màng phổi xuất hiện các triệu chứng như: có tràn dịch màng phổi, có thể cả hai bên, dịch màu vàng chanh, chủ yếu tế bào lympho, có thể phát hiện vi khuẩn lao trong 1/2 trường hợp qua nuôi cấy.

Lao kê

Đây là thể lao nặng, lao toàn thân, tổn thương nhiều cơ quan, do vi khuẩn lan tràn theo đường máu, tổn thương đặc hiệu trên X quang phổi với hình ảnh dạng hạt kê. Lâm sàng: sốt cao, sốt kéo dài, chán ăn, sụt cân, gan, lách, hạch lớn, xuất hiện các dấu hô hấp, thở nhanh, khó thở, ho, nghe được ran khắp cả hai phế trường, có thể kèm các dấu hiệu của lao màng não.

Lao hạch

Lao hạch ngoại biên, hạch sâu, thường gặp trong lao trẻ em, vi khuẩn xâm nhập hạch theo đường bạch huyết, hạch thường thấy ở cổ, đầu, cơ ức đòn chũm. Thường biểu hiện nhiều hạch, diễn biến sưng lớn từ từ, không đau, chắc và dính, không điều trị hạch tiến triển thành áp xe lạnh và dò mủ màu vàng nhạt, để lại sẹo ngoài da.

Lao màng bụng

Bệnh lao đường tiêu hoá, lao ruột, lao phúc mạc thường có các biểu hiện như: sốt, biếng ăn, đau bụng lâm râm tái đi, tái lại, bụng chướng, bụng báng, dịch khu trú hoặc tự do ổ bụng.

Lao cột sống

Đau cột sống âm ỉ, tại một điểm cố định, dai dẳng, đau nhiều về chiều tối, hạn chế vận động, khó quay, khó cúi, khó vặn người, biến dạng cột sống, sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi. Tổn thương tiến đến áp xe lạnh, xuất hiện liệt do chén ép tuỷ. X quang cột sống : phá huỷ đốt sống, hẹp khe khớp.

Lao khớp háng

Đau khớp háng âm ỉ, đau nhiều về chiều và đêm, hạn chế vận động khớp, đi lại khó khăn, biến dạng khớp thường là một bên, sốt về chiều, mệt mỏi. X quang khớp háng hai bên : tổn thương đầu xương đùi, ổ khớp, hẹp khe khớp.

Cách phòng ngừa bệnh lao cho trẻ

Thuốc chủng ngừa duy nhất hiện đang có sẵn cho bệnh lao là vaccine BCG (Bacillus Calmette-Guérin). Tuy nhiên, BCG chỉ tạo sự bảo vệ đến khi trẻ 15 tuổi và không an toàn khi sử dụng ở trẻ em sống chung với HIV. 

Do đó, trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hay trẻ có cơ địa suy giảm miễn dịch (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV...) cần được tầm soát và điều trị dự phòng bệnh lao khi có tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70-80% khả năng bị bệnh lao cho trẻ.

Các bậc phụ huynh hãy đưa con em đi tiêm phòng vaccine BCG theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng; phát hiện và điều trị sớm những người trong gia đình bị bệnh lao, tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây lao; giữ gìn sức khỏe cho trẻ, cho trẻ ăn đủ chất để chống suy dinh dưỡng; giữ gìn môi trường sống tốt, nhà cửa thoáng đãng, sạch sẽ...

Trong gia đình có người bị lao thì cách ly trẻ, không nên tiếp xúc gần gũi (hôn hít) với trẻ... Khi trẻ có triệu chứng nghi bị lao (ho sốt kéo dài, sút cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm...) cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //